Phục hồi kinh tế theo hướng nhanh và bền vững

20/10/2022, 05:56

Như chúng ta đã biết, kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố xung đột chính trị quân sự giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, lạm phát gia tăng dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm lại tại nhiều quốc gia...

Trong khi đó ở trong nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng nặng nề hơn, nhất là việc khắc phục hậu quả sau 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

lanh-dao-tinh.jpg
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các nhà đầu tư. Ảnh: Đình Hòa

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được các kết quả cơ bản, khá toàn diện như: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Đảng và Nhà nước ta vẫn duy trì quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với Bình Thuận, trong 9 tháng năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tích cực so với cùng kỳ năm 2021, nhiều chỉ tiêu dần phục hồi và tăng trưởng khá. Theo đó, ước thu ngân sách tháng 9 năm 2022 đạt 500 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2022 ước 8.582,77 tỷ đồng, đạt 101,12% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 7.713,80 tỷ đồng, đạt 107,31% dự toán năm, tăng 3,83% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày, sản lượng lương thực, số lượng gia súc, gia cầm. Quản lý bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng so cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, nhộn nhịp và có nhiều tín hiệu phục hồi. Các hoạt động thương mại nội địa, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá so cùng kỳ năm trước.

Tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 với chủ đề “Bình Thuận kết nối tiềm năng” (nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022)), đây cũng là hoạt động thu hút các nhà đầu tư, hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các dự án, các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện tốt. Với mức tăng này, nếu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trọn vẹn theo kế hoạch đặt ra, tiến trình phục hồi nền kinh tế của tỉnh sẽ rất tích cực, hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối diện với nhiều khó khăn, với đà phát triển này Bình Thuận thực sự đang trở thành một điểm sáng trong phục hồi hết sức tích cực, lạc quan về triển vọng trong cả trung và dài hạn. Những kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả trong các chủ trương, điều hành kinh tế của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời cho thấy những tín hiệu tích cực đối với việc thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển nền kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong 9 tháng năm 2022 vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đó là tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lượng khách du lịch quốc tế chưa phục hồi. Giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, bên cạnh đó việc xuất khẩu nông sản, tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn. Để tạo đà cho kinh tế Bình Thuận tiếp tục giữ được đà tăng trưởng nhanh và bền vững đòi hỏi các sở, ban, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các quyết định UBND tỉnh giao sở, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước và quốc phòng - an ninh năm 2022 và những năm tiếp theo đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ đề ra. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh và thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn thu lớn, hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc và điểm nghẽn trong xử lý nợ và chống thất thu thuế. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

THANH QUANG

Related articles
Việt Nam cải thiện chỉ số phát triển con người
Mới đây tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo phát triển con người năm 2021 - 2022.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi kinh tế theo hướng nhanh và bền vững