Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần tạo đột phá

13/10/2022, 21:41

Việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đẩy mạnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Hướng hình thành

Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, những năm qua, tỉnh ban hành 10 chương trình, kế hoạch liên quan đến KH&CN theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

img_1130.jpg
 Ứng dụng công nghệ chế biến  đông trùng hạ thảo nhân tạo trong tỉnh cần mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp KH&CN, 29 tổ chức KH&CN (gồm 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề). Tỉnh đã khai trương Trạm Khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) đưa vào hoạt động. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN được duy trì, đẩy mạnh. Các doanh nghiệp đã và đang triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo. Đã có 862 nghiên cứu chế tạo, đổi mới sáng tạo hình thành; trung bình mỗi doanh nghiệp có khoảng 4 giải pháp, sáng tạo. Bước đầu, hoạt động nghiên cứu sáng tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, hiệu quả ứng dụng cao, được thương mại hóa, góp phần giải quyết các nhu cầu cấp thiết về kinh tế - xã hội địa phương, làm tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhận chuyển giao công nghệ, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp nhận 856 công nghệ (bình quân 3,7 công nghệ/doanh nghiệp). Trong đó, doanh nghiệp nhận chuyển giao từ nước ngoài 379 công nghệ, chiếm tỷ lệ 44,3%. Mặt khác, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển giao 5 công nghệ cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Các công nghệ chuyển giao thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: Kỹ thuật vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến thực phẩm, đồ uống, môi trường, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… Qua hoạt động này cho thấy, doanh nghiệp của tỉnh có xu hướng nhận chuyển giao công nghệ trong nước nhiều hơn công nghệ nước ngoài vì có giá thành thấp hơn, phù hợp năng lực doanh nghiệp Bình Thuận vốn đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ.

img_5340.jpg
 Sản phẩm Hector của doanh nghiệp trong tỉnh đang được tiêu thụ thị trường trong, ngoài nước.

Tạo sức bật

Lãnh đạo UBND tỉnh nhận định, thời gian qua, thị trường KH&CN trong tỉnh hình thành, đạt một số kết quả nhất định. Bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN từng bước kiện toàn. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn, các thị trường khác, thị trường KH&CN trong tỉnh còn chậm phát triển. Do vậy, phát triển thị trường KH&CN của tỉnh một cách mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo định hướng của UBND tỉnh những năm tới (2025 - 2030), tỉnh có chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN. Đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Sở, ngành chức năng điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN giữa viện, trường và doanh nghiệp. Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhất là các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên đối với một số lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng lợi thế, chủ lực của tỉnh. Sở, ngành liên quan tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN; quảng bá thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo; lồng ghép với các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư theo cả hai phương thức trực tuyến, trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được giới thiệu, quảng bá.

T. KHOA

Related articles
Chỉ dẫn địa lý: Lối mở cho người sản xuất thanh long
Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất nước, khoảng 30.000 ha; trong đó trên 9.000 ha thanh long tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Trái thanh long địa phương được cơ quan chức năng cấp chỉ dẫn địa lý.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần tạo đột phá