Triển khai phiên tòa trực tuyến: Gỡ “điểm gút” trong giải quyết án hành chính

07/10/2022, 05:40

Tại phòng làm việc, cũng là đầu cầu thành phần của phiên tòa trực tuyến án hành chính, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND tham gia rất thuận lợi, vì bên cạnh có đội ngũ tham mưu có thể cung cấp những tài liệu, hồ sơ liên quan làm rõ thêm những tình tiết của vụ án.

z3777350363483_0e497d212c7b94e49693e3893e7819e6.jpg
Phiên tòa trực tuyến tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Giải quyết án hành chính thấp

Đầu tháng 10/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của chủ tịch UBND và UBND gửi các đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo, Ủy ban Tư pháp đánh giá về cơ bản, chủ tịch UBND, UBND các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết vụ án hành chính, thể hiện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành công trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại là rất cao. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương, Chủ tịch UBND, hoặc người đại diện UBND hầu như không tham gia đối thoại, cũng không tham gia phiên tòa. Sự vắng mặt ấy, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp là đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người khởi kiện nên đã làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân. Đó cũng là lý do khiến án hành chính có tỷ lệ được giải quyết không cao, thậm chí là chậm trễ, quá hạn.

Bình Thuận cũng không nằm ngoại lệ, khi mấy năm qua, tỷ lệ giải quyết án hành chính của tòa án 2 cấp tại tỉnh thấp. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận cho thấy, nếu năm 2019 đã thụ lý 259 vụ, giải quyết 116 vụ, đạt tỷ lệ 44,79% thì năm 2020 cũng chỉ giải quyết 152/305 vụ, đạt tỷ lệ 49,84%, chiếm 15,16% chỉ tiêu đề ra (65%). Sang năm 2021, dồn thêm khó khăn của dịch Covid- 19 khiến tỷ lệ giải quyết án hành chính chỉ đạt 29,4%, với 104/354 vụ, việc thụ lý. Đồng thời, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 9 vụ chiếm tỷ lệ 4,3%, án tạm đình chỉ 33 vụ, án quá hạn 15 vụ. Còn 9 tháng năm 2022 này, tình hình cũng không khả quan hơn, khi thụ lý 399 vụ, giải quyết 145 vụ đạt 36,3%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 65%.

Theo phân tích của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, phát sinh tranh chấp trong các vụ án hành chính chủ yếu trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính...nên người bị kiện chủ yếu là chủ tịch UBND. Trong quá trình giải quyết, tòa án nhân dân hai cấp luôn chú trọng công tác tổ chức đối thoại, đồng thời, quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhìn chung công tác thụ lý và giải quyết án hành chính tại tòa án gặp nhiều khó khăn như thiếu thẩm phán, vụ việc phức tạp... Nhưng khó nhất là chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND do bận rất nhiều công việc chuyên môn nên ít tham gia một cách đầy đủ quá trình tố tụng. Bên cạnh, việc cử người đại diện tham gia tố tụng trong vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước còn chậm trễ, một số trường hợp người đại diện cơ quan nhà nước không tham gia đối thoại, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án hành chính.

Lối mở từ xét xử trực tuyến

Điều đáng nói, Luật Tố tụng hành chính quy định thủ tục đối thoại trong vụ án hành chính là bắt buộc và trường hợp người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch UBND đại diện. Điều khó khăn hơn là quy định phó chủ tịch UBND không được ủy quyền lại cho người thứ ba tham gia tố tụng nên đã gây trở ngại trong việc giải quyết vụ án hành chính.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 19/11/2021 của Quốc hội khóa XI về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện trong hệ thống. Và phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên của tỉnh đã diễn ra vào đầu tháng 9 rồi, tại Tòa án nhân dân tỉnh. Đến nay, các tòa án nhân dân cấp huyện cũng đã triển khai xét xử trực tuyến các vụ án dân sự, hình sự... Quá trình thực hiện đã thấy nổi lên những ưu điểm của xét xử trực tuyến như người tham gia tố tụng sẽ không phải đi xa mất nhiều công sức và tiền của; quá trình xét xử không phải đối mặt trực tiếp với các đương sự khác giúp tránh nguy cơ xung đột, xô xát; các phiên tòa được ghi âm, ghi hình lại sẽ là căn cứ, chứng cứ điện tử; phiên tòa được tổ chức đúng thời gian quy định... Đồng thời cũng nhận ra cách thức của xét xử trực tuyến có thể tháo gỡ điểm gút quyết định đối với các vụ án hành chính, đó là chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND sắp xếp có mặt trong phiên tòa được, dù có bận công việc chuyên môn đến mấy. Tại phòng làm việc, cũng là đầu cầu thành phần của phiên tòa trực tuyến, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND tham gia rất thuận lợi, vì bên cạnh có đội ngũ tham mưu có thể cung cấp những tài liệu, hồ sơ liên quan làm rõ thêm những tình tiết của vụ án.

Hy vọng, thời gian tới, phiên tòa trực tuyến sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các án hành chính, vốn dĩ là điểm khó lâu nay ở tỉnh.  

BÍCH NGHỊ

Related articles
Chuyển đổi số ở Trường THCS - THPT Lê Lợi: Đâu chỉ dạy và học nhẹ nhàng
Nhờ chuyển đổi số trước đó mà Trường THCS - THPT Lê Lợi không lúng túng khi dịch Covid-19 xảy ra. Trường chuyển sang học trực tuyến thuận lợi và thành công trong suốt 2 năm có dịch.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai phiên tòa trực tuyến: Gỡ “điểm gút” trong giải quyết án hành chính