Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình ở huyện Hàm Thuận Bắc còn đặt niềm tin giá thanh long sẽ tăng trở lại nên quyết tâm duy trì phát triển loại cây trồng này. Như gia đình cựu chiến binh Phan Quyết Quang - thôn Phú Lập, xã Hàm Phú là một điển hình.
Ông Quang tâm sự, năm 1990, rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, gia đình ông chọn vùng đất thôn Phú Lập, xã Hàm Phú để lập nghiệp. Cuộc sống gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nguồn vốn ban đầu khởi nghiệp của một chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ chỉ gói gọn trong chiếc ba lô sờn vai. Qua nhiều năm cần mẫn lao động, khai khẩn đất đai sản xuất, thử nghiệm với nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng cuộc sống gia đình vẫn không thoát nghèo. Năm 2006, thấy nhiều nơi phát triển cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế, ông quyết định thử nghiệm loại cây trồng này. Từ 200 trụ ban đầu, thấy hiệu quả, dần phát triển lên hơn 1.200 trụ và duy trì cho đến hôm nay.
Song song với phát triển thanh long, gia đình ông Quang kết hợp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô kinh tế hộ; trong chuồng luôn duy trì nuôi 3 bò cái giống và đàn gà, vịt hơn 200 con. Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên dồi dào trong vườn thanh long cung cấp nguồn thức ăn xanh cho bò, ngược lại sử dụng nguồn phân chuồng để bón cho thanh long, góp phần giảm đáng kể lượng đầu tư chi phí ban đầu của gia đình. Để đảm bảo có nguồn nước tưới ổn định, ông đào ao tích hơn 1.000 m3 nước, phục vụ tưới thanh long vào những tháng mùa khô và kết hợp thả cá, phục vụ sinh hoạt gia đình. Với phương thức phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng, cùng thời điểm từ năm 2007 - 2012 giá thanh long tương đối ổn định; hàng năm vào mùa chong điện, với 1.200 trụ thanh long sau khi trừ chi phí gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ qua 6 năm, gia đình ông vươn lên khá giàu, các con được ăn học đến nơi đến chốn; có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới khang trang với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, giá thanh long không ổn định và có thời điểm giảm sâu, thu không đủ chi, nhiều nhà vườn không còn khả năng đầu tư đành chấp nhận phá bỏ hoặc không còn mặn mà chăm sóc thanh long. Vườn thanh long của gia đình ông Quang cũng cùng chung tình cảnh đó; nhưng bù lại nhờ có nguồn thu nhập từ đàn vật nuôi gia súc, gia cầm và nguồn phân chuồng sẵn có nên vườn thanh long vẫn được duy trì chăm sóc. Cùng với qua theo dõi báo, đài thường xuyên, nghe tin tức về tình hình phát triển cây thanh long ở trong và ngoài địa phương; nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển cây thanh long theo hướng bền vững đã giúp ông Quang tin tưởng, quyết tâm giữ vườn.
Thời điểm này, thanh long đã vào mùa chong điện, những nông dân còn gắn bó với cây thanh long như ông Quang đang tất bật với bao công việc. Từ chăm sóc, bón phân, tưới nước giúp cho cây ra hoa kết trái cùng với niềm tin và hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu vào những ngày cuối năm.