Mong chờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

23/09/2022, 05:19

Đồng nghiệp của tôi vừa than phiền rằng anh đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Phan Thiết (Bình Thuận), quãng đường chỉ 200 km mà mất gần 5 tiếng đồng hồ di chuyển. Ngán ngẩm nhất là đoạn qua Xuân Lộc (Đồng Nai),

quốc lộ 1 chỉ có 2 làn, các xe phải xếp hàng nối đuôi nhau “bò” vài chục km, không vượt lên được. Hôm sau về lại thành phố, lại gặp cảnh kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do có một vụ tai nạn xảy ra…

be7cf6cabf3134005bfe73e6d7e7ed41-1-.jpg
Thi công tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết - Dầu Giây.

Hàng chục năm nay, QL1 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hơn 90 km đã bị quá tải và ách tắc nghiêm trọng. Có vài chục cây số chỉ có 2 làn xe, không hề có dải phân cách, nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc. Giao thông ách tắc làm kinh tế chậm phát triển. Mũi Né (Phan Thiết) một thời đã được mệnh danh “thủ đô resort” của Việt Nam, nhưng sức cạnh tranh kém dần do thiếu sân bay, đường cao tốc so với các trung tâm du lịch khác. Sự kiện khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 30/9/2020 là niềm mong chờ từ rất lâu của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Bình Thuận trong nhiều nhiệm kỳ.

Sau 2 năm triển khai, ngày 10/9/2022 vừa qua Bộ GT - VT đã phát động một đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án cao tốc (trong đó có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định quyết tâm hoàn thành 4 dự án cao tốc vào cuối năm nay. Hiện trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hàng ngàn công nhân, kỹ sư đang ngày đêm hối hả làm việc. Theo cam kết với Bộ GT - VT, nhà thầu đã huy động bổ sung thêm nhiều mũi thi công, làm 3 ca 4 kíp liên tục để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư với chủ đề “Bình Thuận kết nối tiềm năng” hôm 30/8 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thông tin cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, dự kiến thông xe chính thức trong quý I/2023, để kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn góp phần kết nối Bình Thuận với sân bay quốc tế Long Thành, tạo nên trục giao thông hiện đại giữa TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết, cũng như kết nối thành phố biển Phan Thiết với TP. Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh. Với hệ thống đường cao tốc sắp hoàn thành, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hy vọng sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới, trong đó có những đại dự án. Cán bộ, người dân Bình Thuận đi công tác, học tập, khám chữa bệnh, làm ăn, hay thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn. Vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu cũng nhanh chóng hơn nhờ có cao tốc.

Vừa tròn một thế kỷ trước, vào năm 1922 con đường xe hơi từ Phan Thiết đi Mũi Né được khánh thành. Mũi Né xưa là một làng chài ven biển hoang vắng, đường bộ từ Phan Thiết ra Mũi Né chỉ có một con đường mòn cát lún. Bà Lục Thị Đậu - một người con của Mũi Né, là nữ đại gia giàu có bậc nhất ở xứ Phan hồi ấy, đã đề xuất chính quyền thuộc địa để bà bỏ tiền ra khai phóng con đường xe hơi từ Phan Thiết - Mũi Né, chỉ 20 km nhưng phải mất 3 năm mới hoàn thành… Một thế kỷ và những con đường (cả sân bay nữa) đang mở ra cơ hội biến làng chài xa vắng ngày xưa thành một khu du lịch quốc gia tầm cỡ.

KHÔI NGUYÊN

Related articles
Vứt rác bừa bãi - ai phạt?
Vứt đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định: phạt tiền từ 100 - 150 ngàn đồng; đi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định: Phạt tiền 150 - 250 ngàn đồng; vứt rác bừa bãi, đổ nước thải không đúng nơi quy định: phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong chờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây