Trong đó có đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km) đi qua Bình Thuận và Đồng Nai (khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022); đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) đi qua tỉnh Bình Thuận (khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022).
Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, khi thời gian còn lại chưa đầy 120 ngày, trong khi sau 2 năm triển khai tuyến Phan Thiết -Dầu Giây mới đạt 55,72% sản lượng; tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới đạt 50,18% sản lượng. Khối lượng các hạng mục còn lại phải hoàn thành rất lớn, lại đang trong mùa mưa, nếu không có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ ngành, địa phương và BQL dự án, nhà thầu, đơn vị thi công, thì nguy cơ trễ hẹn là rất lớn.
Việc hoàn thành đúng tiến độ 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trên sẽ tạo xung lực rất lớn cho các năm tiếp theo, góp phần hiện thực hóa giấc mơ cao tốc nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau.Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải coi đợt thi đua này như “một chiến dịch đặc biệt” của ngành trong năm nay. Tại lễ phát động thi đua, các đơn vị đã cam kết khắc phục mọi khó khăn, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính, dồn sức thi công “3 ca 4 kíp”, làm ngày làm đêm để đẩy nhanh tiến độ bù lại phần khối lượng đã bị chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời tiết, khí hậu thất thường và giá cả vật tư, nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao. Các địa phương sẽ phải tập trung hỗ trợ tối đa, giải quyết kịp thời các vướng mắc về nguồn cung vật liệu, tạo điều kiện cho các nhà thầu hoàn thành dự án.
Dịp lễ Quốc khánh vừa qua, trong khi người lao động cả nước nghỉ lễ 4 ngày, thì trên các công trường cao tốc Bắc-Nam 100% cán bộ, kỹ sư, công nhân xung phong làm việc xuyên lễ, không khí thi công nhộn nhịp, khẩn trương . Chắc chắn rằng sau khi Bộ Giao thông Vận tải phát động đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm này, thì không khí thi công trên các công trường sẽ thêm hối hả, không có ngày nghỉ, không có lễ, tết, thậm chí sẽ tranh thủ những lúc thời tiết thuận lợi để làm xuyên đêm, với tinh thần quyết chiến quyết thắng “giao thông đi trước mở đường”.
Đối với Bình Thuận, việc hoàn thành các dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội. Người ta nói: “đại lộ sinh đại phú”, khi các tuyến cao tốc trên được đưa vào khai thác, sẽ lập tức mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ về phát triển du lịch, thu hút đầu tư, mà còn mở ra rất nhiều cơ hội cho các lĩnh vực khác bứt phá. Hơn ai hết, nhiều người dân Bình Thuận đang đếm ngược đến ngày khánh thành 2 dự án cao tốc trên.