Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới . Bài 1

13/09/2022, 05:31

Bài 1: Từ cơ cực trở thành cực phát triển

Kể từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Thuận đã vượt khó, vươn lên và từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ. Hiện nay tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng bước đầu được củng cố, tạo tiền đề cho Bình Thuận phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.

Những bước phát triển vừa qua với các nhân tố mới như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, năng lượng tái tạo… đã và đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới.

Chuyện chưa bao giờ cũ

Từ cuối những năm thập niên 90, khi mới chập chững vào nghề báo, tôi đã đọc nhiều bài của cố nhà báo Trần Bạch Đằng trên báo Bình Thuận. Ông từng ví von: Bình Thuận nằm ở vùng cực Nam Trung bộ, mảnh đất khô cằn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nên việc “cực” khổ, gian nan là không thể tránh khỏi. Vậy mà, từ một vùng đất cơ cực, gian khó, “thừa nắng, thiếu mưa”, hạn hán cục bộ triền miên ngày nào, giờ đây Bình Thuận đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cực phát triển mới ở khu vực.

Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết

Thành quả ấy đến từ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trải qua từng thời kỳ. Đó là khát vọng vươn lên của quân và dân Bình Thuận, khẳng định ý chí, nỗ lực, quyết tâm không đầu hàng số phận mà thiên nhiên đã “ưu ái” dành cho mảnh đất này: Có cái nắng, có cái gió nhưng thiếu nước. Câu chuyện về hành trình đi tìm nước cho Bình Thuận cũng có thể trở thành một kỳ tích của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà. Hồi đó tôi khá may mắn khi được cơ quan cử tháp tùng đồng chí Huỳnh Văn Tí (lúc ấy là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) dự nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, tiếp các đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương đến tỉnh làm việc. Và hầu như các cuộc tiếp xúc, cử tri đều kêu nhiều nhất là nước sinh hoạt và nước sản xuất, vấn đề cấp bách nhất của tỉnh lúc bấy giờ được lãnh đạo tỉnh xác định phải giải quyết là: Nước, nước và nước. Bằng các mối quan hệ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các bộ ngành, Bình Thuận đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình, hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Đến nay hệ thống thủy lợi đã được “nối mạng”, mở rộng khắp nơi, về cơ bản không còn lo chuyện thiếu nước.

Hệ thống thủy lợi Tà Pao

Công nghiệp phát triển khá nhanh

Ngành công nghiệp Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng khá cao, với giá trị tăng thêm trong giai đoạn 1992 - 2022 bình quân 15,39%/năm; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (từ 9,58% năm 1992 lên 30,27% năm 2022). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Các sản phẩm sản xuất đều tăng, trong đó sản phẩm tăng khá cao như: Điện phát ra (gấp 10.312,5 lần); thủy sản đông lạnh (gấp 46,69 lần); sản phẩm may mặc (gấp 96,77 lần). Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, một số sản phẩm lợi thế tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường và tăng trưởng nhanh như: Hải sản chế biến, nước khoáng Vĩnh Hảo, muối công nghiệp… đã có thêm một số sản phẩm mới như: Điện gió, điện mặt trời, sản phẩm sản xuất từ nhựa composite, đồ gỗ trang trí nội thất, tole mạ màu, giấy dính cao cấp, chế biến khoáng sản titan…

Tiềm năng về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được đầu tư, phát huy hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao (tăng bình quân 42,23%/năm). Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Bình Thuận đã từng bước hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút các ngành nghề gắn liền vùng nguyên liệu và lợi thế của từng địa phương; nhiều công trình, dự án công nghiệp đã được triển khai đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đến nay, đã có 9 khu công nghiệp được phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích 3.003,43 ha. Trong đó, 8 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 6 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động (Phan Thiết 1, 2; Hàm Kiệm 1,2; Sông Bình, Tuy Phong), thu hút được 89 dự án đầu tư (trong đó có 28 dự án FDI), với tổng mức đầu tư 16.192,54 tỷ đồng và 231,08 triệu USD, diện tích cho thuê 277,74/ 734,9 ha, đạt tỷ lệ 37,79% diện tích các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng. Toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp đã thu hút, bố trí 173 dự án đầu tư với tổng diện tích 268,2 ha, chiếm khoảng 35,66% diện tích đất công nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng nhanh (trong ảnh:  dây chuyền sản xuất in ấn và điện gió ở Bắc Bình).

Ấn tượng với du lịch

Du lịch phát triển nhanh, nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra ngày 24/10/1995 đã mở ra triển vọng phát triển mới. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là Trung tâm Du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia. Đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc khu vực ven biển, trong đó có một số dự án có quy mô đầu tư lớn, tổ hợp du lịch - dịch vụ. Đến nay, đã có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 70.220 tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, golf…), du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa… Dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với yêu cầu phát triển du lịch. Hình ảnh, thương hiệu Khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được khẳng định đối với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch khá cao. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,404 triệu lượt khách, gấp 512,77 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó khách quốc tế 774 ngàn lượt khách, gấp 80,49 lần so với năm 1992, tăng bình quân 17,65%/năm; doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, bằng gấp 2.515,89 lần so với năm 1992, tăng bình quân 33,64%/năm.

Những con số, số liệu bao giờ cũng xơ cứng, khô khan song nó dẫn chứng cho sự thay đổi toàn diện của Bình Thuận trong 3 thập kỷ vừa qua.

 Du lịch Bình Thuận luôn thu hút du khách với điểm đến thân thiện, hấp dẫn.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH: ĐÌNH HÒA

Related articles
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Ngài Agustaviano Sofian -Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Indonesia
Chiều 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong đã tiếp Ngài Agustaviano Sofian -Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Indonesia đến thăm, chào xã giao lãnh đạo tỉnh nhân nhiệm kỳ mới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới . Bài 1