Đón tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã giới thiệu với đoàn công tác tỉnh Hậu Giang hình ảnh về thành tựu và dấu ấn nổi bật của tỉnh qua 30 năm tái lập tỉnh, thông qua những thước phim tài liệu. Qua đó khẳng định, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Bình Thuận đã phát huy truyền thống cách mạng, huy động nguồn lực, từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Quy mô nền kinh tế của Bình Thuận gấp hơn 24 lần so với năm 1992 và đạt 94.858 tỷ đồng; đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bình Thuận hiện sở hữu nhiều tiềm năng mà hiếm địa phương nào có được. Đó là tiềm năng về gió, đất, du lịch. Ngoài ra tỉnh còn rất thuận lợi về giao thông. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng; Cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư sẽ tạo động lực phát triển hệ thống dịch vụ logistics nhằm kết nối và lưu thông hàng hóa cho cả đường bộ - đường biển - đường sắt… Với tinh thần thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị cao, phát huy thành tựu và bài học kinh nghiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận quyết tâm phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch.
Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang cũng cho biết: Khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ năm 2004, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên với sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong đó, Tỉnh ủy Hậu Giang tập trung ban hành đồng bộ nhiều văn bản lớn. Đặc biệt là thực hiện công tác quy hoạch nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đây là bước chủ động trong chuẩn bị nguồn cán bộ kế thừa. Hậu Giang là một trong số tỉnh hoàn thành quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ sau sớm nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các thành phần trong năm.
Về tình tình phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 6%. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, cao nhất ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác thu hút, tạo điều kiện để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư. Chú trọng tập trung vào “3 trụ cột” kinh tế của tỉnh là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp…
Đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của Bình Thuận trong công tác xúc tiến đầu tư, khai thác và phát triển du lịch bền vững, biến những khó khăn về đất đai, khí hậu thành lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành khẳng định: Bình Thuận và Hậu Giang có nhiều nét tương đồng trong định hướng phát triển nông nghiệp, du lịch và phát triển đô thị. Vì thế từ những kinh nghiệm thực tiễn của Bình Thuận sẽ là cơ sở để tỉnh tham khảo, học tập, vận dụng, triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời hy vọng 2 tỉnh sẽ có những hợp tác, chia sẻ gắn kết hơn nữa để cùng phát triển.