La Gi, từ “lỵ sở”qua các thời kỳ

09/09/2022, 05:37

Năm 1916, La Gi là địa danh của phần đất “lỵ sở” huyện Hàm Tân, thuộc phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Đọc lại những trang tư liệu hiếm hoi của thời kỳ đầu lập tỉnh Bình Tuy (1957), La Gi cũng là thủ phủ/tỉnh lỵ mới này và nối dài từ ngày giải phóng 23/4/1975 với chặng đường xây dựng và phát triển là thị trấn của huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải/Bình Thuận.

trung-tam-hanh-chinhan-.jpg
Trung tâm hành chính thị xã La Gi. Ảnh: N.Lân

Thực tế vùng đất La Gi từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, vào năm 1954 chỉ vài dãy phố của dân hồi cư dựng lên vội vàng bằng mái tole, vách gỗ… nối dài bởi hai khu chợ Cũ, chợ Mới trên phần đất Phước Hội, Phước Lộc ngày nay. Chính quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143 ngày 26/10/1956, nhưng ngày thành lập là 24/4/1957 mới đi vào hoạt động. Lại có người cho rằng trước ngày giải phóng 1975, La Gi đã là thị xã… điều này chỉ do căn cứ theo cách tổ chức của lực lượng cách mạng trong thời chống Mỹ, khi thành lập tỉnh Bình Tuy năm 1968. Tại La Gi, tổ chức lãnh đạo “thị ủy” lúc ấy chỉ do một Ban cán sự đảng gồm 4 người lãnh đạo trong bí mật. Đến ngày giải phóng Bình Tuy lại có tên “thị xã” khi tiếp quản là “Ủy ban quân quản thị xã La Gi” bao gồm các xã Hòa Lộc, Thọ Lộc, Thuận Thiện, Phước Thành và sau đó nhập lại thành xã Tân Hòa. Đến cuối năm 1978 xã Tân Hòa được nâng lên thành thị trấn La Gi của huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải. Dưới chế độ VNCH, nếu có “thị trấn” La Gi chỉ là tên gọi có tính khái niệm đối với “lỵ sở huyện” xưa , vì toàn tỉnh Bình Tuy không có cấp hành chính “thị trấn” hay thị xã dù là địa bàn có đặt quận lỵ hay tỉnh lỵ. Địa bàn tỉnh lỵ Bình Tuy có xã Châu Thành, Phước Hội, thuộc quận Hàm Tân - nhưng quận lỵ Hàm Tân lại đóng tại xã Tân Hiệp (thôn Hiệp Hòa) - xã Tân Tiến hiện nay.

Tại nghị định số 114/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập thị xã La Gi trên cơ sở địa bàn thị trấn La Gi và một số xã lân cận. Như vậy với địa danh La Gi từ vị trí của một “đô thị” trung tâm tỉnh lỵ (1957) đến khi được quyết định thành lập thị xã (2005) đã trải qua chặng đường 48 năm. Đến nay thị xã La Gi đã có 17 năm đi vào hoạt động với cấp đơn vị hành chính mới, tất nhiên là có nhiều cơ hội thuận lợi để phát huy, khai thác nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên theo các tiêu chí, quy mô của một đô thị. Trên chặng đường 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), trong đó thị xã La Gi đã bước qua không ít khó khăn, ảnh hưởng từ tình hình chung về khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Nhiều dự án đầu tư bị chậm trễ, quy hoạch dang dở, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là về phát triển công nghiệp, du lịch… Nhưng với tinh thần nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ X (2015-2020) đã đề ra giải pháp chủ yếu cho hướng mới: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại” và từ đó tạo nên sự chuyển biến đáng kể về nhiều mặt qua việc Bộ Xây dựng công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III. Thị xã đã tranh thủ được các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đáp ứng cho các công trình, nâng cấp hạ tầng về giao thông huyết mạch quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến giao thông ven biển, nội thị, liên xã… Từ cuối năm 2021 có nhiều sự thay đổi tuy phải mất khá dài thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19. Đến nay đã cơ bản hoàn thành các con đường ĐT.719, QL.55 qua địa bàn thị xã. Một số chỉ tiêu đề ra, những công trình phục vụ sản xuất, chỉnh trang đô thị như chợ, môi trường vệ sinh, công viên, đường nội thị… đang dần dần trở thành hiện thực.

du-l-2-.jpg
Du lịch biển La Gi. Ảnh: N.Lân

Liên hệ vài con số của năm đầu thành lập thị xã với hiện nay để coi đó là nét chấm phá ấn tượng cho diện mạo phát triển. Những con số vượt chỉ tiêu mang ý nghĩa về tăng trưởng của năm 2021: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt từ 150,456 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 101,619 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 1.615 tỷ đồng… Thế mạnh kinh tế vẫn là thủy sản của La Gi - năng lực tàu thuyền vào năm 2006 từ 1.735 chiếc với công suất 125.516 Cv nay tăng lên 2.108 chiếc với 402.295 Cv… Chủ yếu với lượng tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ… Tuy nhiên một số dự án, công trình xây dựng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư và không ít dự án lấn biển tạo khu dân cư, nạo vét thông luồng cửa biển, khu đóng tàu thuyền, mở rộng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão… do nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập về thủ tục xây dựng, giải tỏa mặt bằng. Nhiều dự án du lịch biển được tỉnh chấp thuận đầu tư chưa khởi động xây dựng, gây lãng phí đất đai kéo dài từ nhiều năm nay cũng là những vấn đề bức xúc mà địa phương luôn cần đến những giải pháp khả thi, cùng các cấp ngành của tỉnh phối hợp tháo gỡ.

Trên mảnh đất chỉ ở khoảng gần 190 km2 - năm 1975 với dân số thuộc địa bàn La Gi trước đó có 40.905 người, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh Bình Tuy bấy giờ. Đến khi thành lập thị xã, đầu năm 2006 dân số với 102.560 người và hiện nay cũng xấp xỉ (109.630 người)… Những năm gần đây dân số không mấy biến động lớn nhưng với yêu cầu về mục tiêu phát triển đô thị, cơ cấu hạ tầng, quy mô đầu tư về kinh tế - xã hội, đồng thời với nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người dân… đòi hỏi cao hơn, làm thay đổi diện mạo mới cho La Gi xứng tầm với một thành phố tương lai về thương mại - dịch vụ - du lịch… Nói đến sự “so sánh”, cảm nhận khá phổ biến ở người dân bao giờ cũng đơn giản là “mắt thấy”, nhưng với những con số cụ thể về một số lĩnh vực sản xuất, đầu tư qua mỗi thời kỳ sẽ mang lại sự tin tưởng thuyết phục hơn.

Bức tranh toàn cảnh của một La Gi ngày trước, tính từ khi địa bàn này là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy dưới thời VNCH 1957 đến ngày giải phóng 23/4/1975 và giai đoạn trở thành thị xã của thời gian 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận cho thấy… mỗi thời kỳ có những thay đổi về kết cấu hạ tầng đô thị, về kinh tế - xã hội khá ấn tượng. Gần nhất ở lĩnh vực văn hóa và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Con số tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục duy trì còn 0,06% thật có ý nghĩa, bên cạnh các lĩnh vực hoạt động sản xuất, công trình văn hóa - xã hội, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình chuyển mình, hoàn thiện các mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị để đáp ứng quy mô của vị thế là đô thị hạt nhân của vùng kinh thế phía tây nam tỉnh Bình Thuận. Tính khả thi cho một không gian đầy triển vọng đang mở ra khi La Gi trở thành giao điểm với các tỉnh, thành trong khu vực, từ các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ 55, quốc lộ 1A, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết… rút ngắn khoảng cách và thuận lợi trong môi trường hội nhập để phát triển. Đặc biệt, bờ biển La Gi dài 28 km với nhiều lợi thế thiên nhiên, thuộc vùng khí hậu ôn hòa, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí… có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư về phát triển du lịch và kết nối chuỗi dự án du lịch biển với khu vực duyên hải cực Nam Trung bộ.

PHAN CHÍNH

Related articles
Lực lượng vũ trang huyện Tánh Linh: Tặng quà Tết Trung thu cho học sinh
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tánh Linh cho biết, nhằm giúp các cháu được đón Tết Trung thu vui tươi và ấm áp, được sự hỗ trợ của mạnh thường quân, đơn vị vừa đến thăm, tặng quà Tết Trung thu cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Gia Huynh (xã Gia Huynh), Trường Tiểu học Đồng Kho 1 (xã Đồng Kho).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi, từ “lỵ sở”qua các thời kỳ