Vứt rác bừa bãi - ai phạt?

09/09/2022, 05:18

Vứt đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định: phạt tiền từ 100 - 150 ngàn đồng; đi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định: Phạt tiền 150 - 250 ngàn đồng; vứt rác bừa bãi, đổ nước thải không đúng nơi quy định: phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng…

Từ ngày 25/8/2022, Nghị định 45/2022 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực, thay thế NĐ 155/2016 và NĐ 55/2021. Mặc dù mức xử phạt theo NĐ 45 đã giảm mạnh (từ 5 - 10 lần so với NĐ 155 và NĐ 55) để tăng tính khả thi (có thể phạt ngay tại chỗ mà không cần lập biên bản). Nhưng dư luận vẫn hoài nghi rằng liệu NĐ 45 có đi vào cuộc sống, có tạo ra sự thay đổi thực sự, hay sẽ cùng chung “số phận” với 2 NĐ trước?

z3501227684348_964e2aaa3279d35e8b4b831b00a0b1e5.jpg
Ra quân dọn dẹp rác. Ảnh minh họa.

Vấn đề đầu tiên là: Ai phạt? Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng như trước thì không được. Công an phường, cán bộ phường không có nhiều, trong khi họ có rất nhiều việc khác phải làm. Các năm qua, dù chế tài xử phạt có đầy đủ, nhưng số trường hợp vi phạm bị xử phạt rất hiếm hoi. Hậu quả là dân “lờn luật”. Các tấm bảng “Cấm đổ rác, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng…” chẳng còn “dọa” được ai. Nơi nào có bảng “cấm đổ rác” thì nơi đó rác chất đống dưới bảng cấm.

Để trả lời câu hỏi: Ai phạt? Một điểm mới của NĐ 45 là ngoài xử phạt trực tiếp thì sẽ phạt nguội, tức là dùng hình ảnh hoặc video người dân cung cấp để xử phạt hành vi vi phạm. Trước đây pháp luật chưa quy định phạt nguội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nay Tổng Cục môi trường cho rằng: Việc xử phạt nguội giống như trong lĩnh vực giao thông, sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe và giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Trong xu thế phát triển các đô thị thông minh, giá camera ngày càng rẻ, một vài địa phương đã thí điểm sử dụng camera giám sát và xử lý hành vi xả rác bừa bãi tại các “điểm nóng” về môi trường và rất có hiệu quả. Cần có thêm cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim phát hiện các hành vi vi phạm và báo cho cơ quan chức năng xử lý. Nhiều nước trên thế giới như ở Singapore, ngoài lực lượng chức năng tuần tra, họ chủ yếu sử dụng hệ thống camera an ninh bố trí dày đặc để xử phạt rất nặng hành vi xả rác, vứt tàn thuốc nơi công cộng. Quá bức xúc, mệt mỏi vì tình trạng “trên dây, dưới rác”, nhiều người cũng ước Việt Nam mình “nghiêm như Sing”. Giấc mơ “nghiêm như Sing, sạch như Sing” không thể thành hiện thực nếu không bắt tay vào hành động quyết liệt vì môi trường.

Chỉ trong vòng 6 năm, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 3 nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng tỏ sự cấp thiết của vấn đề này. “Quá tam ba bận”, lần này mà không thành thì không biết bao giờ? Dư luận rất hy vọng NĐ 45 sẽ đi vào cuộc sống, sẽ tạo ra sự thay đổi thực sự. Muốn vậy, trước tiên cần tuyên truyền rộng rãi nghị định 45/2022 đến mọi người dân, đồng thời phải tăng cường ứng dụng công nghệ để phạt nguội các hành vi xả rác, hút thuốc, tiểu bậy nơi công cộng…

ĐẶNG DŨNG

Related articles
Ngày Tết Độc lập
Ngày Tết Độc lập năm ngoái, ngày Quốc khánh thứ 76 của đất nước đến vào thời điểm gian nan, thử thách nhất của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vứt rác bừa bãi - ai phạt?