Biến đổi khí hậu làm châu Âu đang phải trải qua một đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua. Nhiều nước đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, do sản xuất lương thực, vận tải, năng lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều thành phố phải thông báo cấm người dân tưới vườn, rửa xe, hay đổ đầy bể bơi, để dành nước cho các sinh hoạt thiết yếu…
Bình Thuận nổi tiếng khô hạn nhất, nhì nước, đã quen với thiếu mưa, thừa nắng nên người Bình Thuận dễ chia sẻ, đồng cảm với nỗi vất vả của người nông dân châu Âu trong lúc này. Người nông dân Bình Thuận không chỉ có một nước da đen sạm rắn rỏi, mà còn có khả năng chịu đựng, thích ứng cao vì thường xuyên đối mặt với tình trạng khô hạn. Để trữ nước cho mùa khô, người Bình Thuận xây dựng nên những hồ chứa nước lớn, nhà nhà đào ao lót bạt trữ nước trong vườn, hay xây bể chứa nước mưa, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước… Người Bình Thuận cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý trong phát triển hệ thống thủy lợi, điều tiết nước tưới, tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng nhiều nước (như lúa) sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước, mà hiệu quả cao hơn.
30 năm qua, ở Bình Thuận đã mọc lên những công trình thủy lợi lớn như: Sông Quao, Cà Giây, Sông Lòng Sông, công trình tưới Phan Rí - Phan Thiết, đập Tà Pao, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hồ Sông Lũy… 15 tuyến kênh mương nối mạng thủy lợi, quy mô 265 km đã xây dựng để chuyển nước tới các vùng khô hạn. Đấu tranh để sinh tồn trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người Bình Thuận đã sáng kiến “nối mạng” liên thông giữa các hồ chứa nước, để khai thác tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư xây dựng.
Nhờ vậy, sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, nước đã hồi sinh nhiều vùng hoang hóa, bị sa mạc hóa, diện tích gieo trồng được tưới đã tăng gấp 3,5 lần (từ 32.600 ha năm 1992 lên 114.500 ha năm 2021), chưa kể tăng cường hàng chục triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân và phát triển các ngành kinh tế khác như công nghiệp, du lịch… Chưa dừng lại, Bình Thuận chuẩn bị xây dựng thêm những hồ chứa nước lớn nữa.
Đặc biệt, người Bình Thuận đã biết biến cái khắc nghiệt nhất thành lợi thế, biết tận dụng “đặc sản” nắng gió trời cho để phát triển mạnh du lịch, năng lượng tái tạo. Trong đó có cả những dự án điện gió ngoài khơi hàng tỷ USD đang triển khai.
Thay cho những đồi cát khô cằn, nắng cháy, chỉ trơ trọi những cây xương rồng gai góc còn trụ lại được, giờ đây nếu qua Bình Thuận, bạn sẽ thấy những vườn thanh long xanh ngút ngàn, những trang trại điện gió, điện mặt trời, hay những resort xinh đẹp nằm bên biển xanh, cát trắng, nắng vàng.
Sự nóng lên toàn cầu khiến hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra khốc liệt hơn, mà ngay cả “lục địa già” cũng không tránh khỏi. Nhưng người Bình Thuận vẫn tự tin vững bước trên con đường mình đã chọn.