Phòng chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài

27/03/2024, 07:10

Công tác phòng chống mua, bán người được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều cạm bẫy dụ dỗ

Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội và tâm lý muốn làm những công việc nhẹ nhàng mà có thu nhập cao của một bộ phận giới trẻ hoặc những em thiếu hiểu biết, nhiều đối tượng xấu đã đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội, dụ dỗ các em sang nước ngoài làm việc với những lời hứa hẹn về một công việc đáng mơ ước. Không chỉ dụ dỗ qua mạng xã hội mà bọn chúng còn trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia để làm việc với những lời hứa “việc nhẹ lương cao”, kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn và còn cho ứng trước tiền để lo chi phí xuất cảnh.

untitled-2.jpg
Công an tỉnh cảnh báo đến người dân liên quan đến cạm bẫy sang nước ngoài làm việc nhẹ lương cao.

Điều này đã khiến rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy. Sau đó các đối tượng đã sử dụng nhiều cách để đưa người lao động xuất cảnh sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch và trái phép; đưa họ vào làm việc trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ (chủ yếu là các casino đánh bạc trực tuyến) với tần suất làm việc cao (15 – 16h/ngày) nhưng mức lương chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Quá trình ở Campuchia họ bị quản lý chặt chẽ, không được tự do đi lại và liên hệ với bên ngoài. Khi không đáp ứng được tần suất làm việc, chỉ tiêu được giao, vi phạm quy định do phía chủ đề ra như: làm việc không đủ giờ, không lôi kéo đủ số người tham gia đánh bạc trực tuyến, tìm cách liên hệ với bên ngoài… thì bị tra tấn, đánh đập, hành hạ, đối xử thậm tệ. Thậm chí có người đã tử vong. Mà trường hợp của anh V.C.K ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc là một ví dụ.

Tháng 10/2023 gia đình, người thân anh V.C.K (27 tuổi, ngụ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) tá hỏa khi đọc được một thông báo trên mạng xã hội cho biết, K đã tử vong tại Campuchia kèm theo một số hình ảnh, căn cước của nạn nhân. Trước đó, theo người thân, anh K xin gia đình đi làm việc ở Bình Dương và cuối tháng 9 còn gọi điện thoại liên lạc với gia đình, nhưng đến đầu tháng 10/2023 thì đột nhiên mất liên lạc. Gia đình đã tìm mọi cách liên hệ với bạn bè, nhưng không ai biết K ở đâu. Để đưa thi thể của anh K về nhà an táng, gia đình đã phải vay mượn số tiền 135 triệu đồng để qua Campuchia đưa thi thể nạn nhân về.

Sau khi những vụ việc đau lòng trên xảy ra, các ngành chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, người dân đã nhận ra những thủ đoạn của bọn xấu. Nhưng các đối tượng xấu vẫn thay đổi cách thức hoạt động, chiêu trò dụ dỗ các nạn nhân. Thỉnh thoảng thông tin về những trường hợp tử vong khi sang nước ngoài làm việc rồi gọi điện về nhà nhờ người thân mang tiền qua chuộc về vẫn xuất hiện trên các trang báo, mạng xã hội. Điều này cho thấy vấn nạn này vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Phòng chống mua bán người từ đời thực đến không gian mạng

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội (Ban chỉ đạo) đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện công tác phòng chống mua, bán người. Trong đó xác định công tác phòng chống mua, bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu cao nhất là “bảo vệ an ninh con người”, “bảo vệ quyền con người”, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban chỉ đạo đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong phòng, chống mua bán người. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp. Đẩy mạnh truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Đồng thời yêu cầu lực lượng công an mà chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; bám sát địa bàn, tăng cường thu thập thông tin trên không gian mạng, phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người. Triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản đảm bảo toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng. Xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, nắm tình hình, tăng cường thu thập thông tin trên không gian mạng, nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm mua bán người. Chú trọng công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Điều tra hiệu trưởng có dấu hiệu không trực tiếp đứng lớp nhưng nhận phụ cấp
BTO-Thanh tra huyện Tánh Linh đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tánh Linh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài