Theo đó, Sở Y tế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện nội dung công điện. Cụ thể, giám sát dịch ngay tại các cửa khẩu (với địa phương có cửa khẩu) và trong cộng đồng; cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc; hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Song song đó, truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ. Lưu ý, người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Theo công điện, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, sốt xuất huyết… Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.
Trước đó, vào ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 28/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.