Cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động
Chương trình phiên giao dịch việc làm đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của lãnh đạo huyện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự có mặt của gần 600 người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam tham dự. Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết: “Phiên giao dịch việc làm là chiếc cầu nối giúp cho người lao động, đoàn viên thanh niên, các em học sinh có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng nguyện vọng tại các doanh nghiệp uy tín. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện được các mục tiêu, chủ trương chiến lược trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm cho người lao động, đoàn viên thanh niên, các em học sinh, tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp theo phương châm cùng đồng hành, cùng phát triển”. Theo đó, tại phiên giao dịch việc làm, người lao động, học sinh được tìm hiểu, lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm, những định hướng nghề nghiệp, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để tham khảo và có thể lựa chọn các ngành nghề phù hợp với khả năng của mình trong tương lai. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp tư vấn về việc làm đã giới thiệu về ngành nghề, kỹ năng nghề nghiệp của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Thông tin về tình hình lao động việc làm tại địa phương, bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 80.000 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, trong đó có 46.000 người đã qua đào tạo nghề còn lại khoảng 34.000 người chưa được đào tạo nghề do đó lực lượng lao động cần được đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là rất cao. Tuy nhiên, hiện tại huyện chỉ có 1 Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện đào tạo được một số nghề nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Hiện toàn huyện có hơn 240 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 11.000 lao động đang tham gia trên các lĩnh vực thương mại, xây dựng, du lịch, khai khoáng… Trong đó, chủ yếu là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty tư nhân. Các doanh nghiệp cũng đang trong thời gian phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19 nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, đặc biệt là những lao động đã qua đào tạo. Địa phương rất mong qua phiên giao dịch việc làm này, các đơn vị tuyển dụng sẽ kết nối được nhiều hơn nữa người lao động với người sử dụng lao động nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.
Cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp
Người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia phiên giao dịch việc làm đã mạnh dạn bày tỏ những thắc mắc, trăn trở, suy nghĩ để các đơn vị giải đáp, tư vấn. Trong đó, tập trung các nội dung như thông tin nhu cầu lao động tại địa phương; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài; chính sách học nghề và việc làm sau khi tốt nghiệp; chính sách hỗ trợ việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo; những kỹ năng cần thiết để tìm việc làm phù hợp; các ngành nghề phát triển tại Bình Thuận... Qua đó, giúp người lao động, đoàn viên thanh niên, các em học sinh hiểu rõ hơn những ngành nghề, con đường học tập, việc làm phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực bản thân nhằm có quyết định lựa chọn và đăng ký tham gia. Em Nguyễn Huy Vương - học sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Thuận Nam chia sẻ: “Em thấy rất bổ ích khi được tham gia chương trình phiên giao dịch việc làm này, tại đây đã giúp em có được những thông tin, kỹ năng cần thiết để em lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân”.
Trong khuôn khổ của chương trình, người lao động, đoàn viên thanh niên, các em học sinh trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam được tham quan các gian hàng tư vấn của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh. Tại đây, người lao động, đoàn viên thanh niên và các em học sinh có nhu cầu tìm việc làm được tư vấn, phỏng vấn, đăng ký, tuyển dụng, học nghề theo yêu cầu. Chị Hà Thị Kim Dung – ở thôn Hiệp Tân, xã Tân Thuận thuộc diện hộ cận nghèo, không có công việc ổn định. Được địa phương giới thiệu đến tham gia phiên giao dịch việc làm, chị Dung đã tìm được một số vị trí tuyển dụng phù hợp. Chị Dung cho biết: “Tôi thấy có vị trí tuyển dụng công nhân may với mức lương hấp dẫn từ 7 - 14 triệu đồng/tháng nên đã đăng ký ứng tuyển. Hy vọng tôi được trúng tuyển có việc làm ổn định để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 4 con đang tuổi ăn học”. Còn chị Nguyễn Thị Thái ở xã Tân Thuận có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, tại phiên giao dịch việc làm chị Thái được tư vấn kỹ về các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Có thể thấy, thông qua phiên giao dịch việc làm đã mở ra cơ hội giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, các doanh nghiệp cũng tuyển dụng được nguồn nhân lực có tay nghề.