Du lịch xanh
Còn tiết xuân ấm áp, vậy mà một vài nhóm bạn của tôi từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã lên lịch du lịch hè, mà nhất định phải là xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) mới chịu. Có vẻ hơi lo xa bởi thời gian hẵng còn dài, nhưng qua các thông tin bạn nắm bắt được thì rất có cơ sở.
Đa Mi có địa giới giáp tỉnh Lâm Đồng. Đây là vùng đất nổi tiếng với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đặc biệt mùa hè, khi những vườn mắc ca, sầu riêng, măng cụt, bơ… vào chính vụ thu hoạch cũng là lúc nhộn nhịp du khách đến tham quan, thưởng thức ngay tại vườn. Đó là chưa kể, bạn không muốn bỏ lỡ các hoạt động trải nghiệm câu cá, đi thuyền trên hồ Hàm Thuận – Đa Mi để thưởng ngoạn cảnh sắc nơi đây. Những vườn quả xum xuê cây trái sẽ làm dịu đi cái nắng ban trưa. Vị ngọt lành của thiên nhiên sẽ đẩy cảm giác thư giãn của bạn đi đến tột cùng trong những ngày nghỉ dưỡng.
Việc phát triển du lịch nông thôn có sự tham gia trực tiếp của nông dân đang mang lại sự hấp dẫn, tạo ra sức hút mạnh mẽ để khách trong và ngoài tỉnh sẵn sàng “bỏ phố về núi”, mà trong trường hợp này Đa Mi là một ví dụ điển hình. Có thể số liệu thống kê mỗi thời điểm lại khác nhau, bởi đa số đi theo dạng nhóm nhỏ, theo gia đình. Chính sự hồn hậu của tình đất, tình người Đa Mi khiến tiếng thơm của trái cây, của món ngon cá lìm kìm, cá tầm… tỏa bay.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên và những giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt ở các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, thời gian qua, UBND huyện Hàm Thuận Bắc rất quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có nhu cầu về đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn nhằm khai thác hiệu quả lợi thế các cảnh quan xinh đẹp, hoang sơ do thiên nhiên ban tặng, như: Thác 9 tầng, thác Sương mù, đồi Sân bay, thác Mây và thác Mưa, các sông, suối, thác hồ… Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức khảo sát các tour, tuyến, sản phẩm du lịch và chiến dịch truyền thông để xây dựng và phát triển dịch vụ tham quan mới, hấp dẫn.
Đầu tư phát huy thế mạnh
Sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động tạo ra sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đồng thời, mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh sản xuất nông nghiệp thuần túy, giúp họ gắn bó với quê hương, bảo đảm an sinh xã hội. Dựa trên những lợi thế vốn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, Hàm Thuận Bắc đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và xây dựng quy chế quản lý quy hoạch các khu du lịch đã được phê duyệt; ban hành quy định về quản lý các khu, điểm du lịch ở địa phương. Ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động, lập quy hoạch chi tiết và phương án kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn. Duy trì các sự kiện văn hóa, thể thao và phát triển sản phẩm cây trồng, con nuôi, sản phẩm OCOP, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Hàm Thuận Bắc cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mở các tour, tuyến, nhất là tour khám phá hồ Sông Quao và hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận, xã Đa Mi và các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, nhất là chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, đặc biệt nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cụ thể là hạ tầng giao thông, bến bãi, điểm đỗ xe, hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước... ở những vùng, khu vực quy hoạch phát triển du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân đầu tư du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp ở những nơi có tiềm năng phát triển. Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng - thác - hồ, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay). Khôi phục và phát triển văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc K’ho từ các sản phẩm đặc trưng như dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực heo đen, cơm lam lúa mẹ… Từ đó, từng bước hình thành chuỗi du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các vùng lân cận.