Từ sự kiện “trời ban”…
Đó là nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 24/10/1995, sự kiện này bất ngờ tạo ra sức hút mạnh mẽ với hàng trăm ngàn người từ khắp mọi nơi đổ về thị xã Phan Thiết nhỏ bé để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Ngay sau đó, các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước bắt đầu nhận ra cơ hội phát triển du lịch nơi đây, có thể đánh thức tiềm năng to lớn bằng những dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại vùng biển cực Nam Trung bộ.
Cũng qua sự kiện “trời ban”, Bình Thuận đã dành sự quan tâm và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch - ngành kinh tế non trẻ của địa phương phát triển xứng tầm. Song song với việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh còn tích cực huy động sự đóng góp từ nguồn lực kinh tế tư nhân. Qua đó, dần hình thành tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né (thuộc địa bàn TP. Phan Thiết ngày nay), được du khách gần xa biết đến với tên gọi “thủ đô resort” hay thiên đường nghỉ dưỡng…
Du lịch Bình Thuận tiếp tục thu hút đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp từ nguồn lực kinh tế tư nhân (Ảnh minh họa).
Ngoài xây dựng thành công thương hiệu và hình ảnh điểm đến “Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng”, Bình Thuận còn tăng cường quảng bá các nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến tài nguyên du lịch gắn với biển, rừng, đảo (núi Ông, núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu), hay như cảnh quan đặc trưng (đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà) và các di tích nổi tiếng (Trường Dục Thanh, tháp Chăm Pô Sah Inư, dinh Thầy Thím)… Từ đó định hướng phát triển phù hợp điều kiện địa phương, tập trung xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược triển khai dự án quy mô, đẳng cấp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của du lịch Bình Thuận.
Đến nguồn lực tư nhân
Hiện trên địa bàn Bình Thuận có hơn 380 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 70.220 tỷ đồng (trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 11.230 tỷ đồng). Số liệu thống kê cũng cho thấy, khi hàng trăm cơ sở lưu trú được đầu tư chủ yếu từ nguồn lực kinh tế tư nhân đưa vào hoạt động với gần 17.600 phòng đã tạo sức bật mới cho ngành du lịch địa phương. Đó còn chưa kể hơn 550 căn hộ, 315 biệt thự, 400 cơ sở ăn uống, mua sắm… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cùng lúc cho hàng chục ngàn du khách vào các đợt cao điểm lễ, tết.
Đặc biệt thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng du lịch Bình Thuận vẫn thu hút nhiều dự án quy mô lớn, sớm đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động như Centara Mirage Resort Mui Ne, Sân golf PGA NovaWorld, Anantara Mui Ne Beach Resort & Spa… Tiếp đó là một số tổ hợp sắp hoàn thành, có thể xem là “điểm nhấn” của du lịch địa phương: Dự án NovaWorld Phan Thiết (diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD), dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (quy mô 4 tòa nhà cao 29 tầng với gần 3.000 căn phòng)…
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ thì nguồn lực kinh tế tư nhân cũng có đóng góp nhất định trong công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Nổi bật là vai trò của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, sau gần 20 năm thành lập đến nay vẫn luôn đồng hành cùng bước tiến của ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương. Đồng thời Hiệp hội Du lịch còn thể hiện chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị thành viên trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tới đây khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh), Sân bay Phan Thiết và các tuyến giao thông kết nối được thi công hoàn thành, dự báo Bình Thuận sẽ thêm sức cạnh tranh thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn lẫn các đối tượng du khách. Và tin rằng kinh tế tư nhân vẫn là nguồn lực quan trọng, tiếp tục đóng góp đáng kể để tạo nên bức tranh du lịch sống động với gam màu sáng chủ đạo, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.