Phát triển bền vững kinh tế biển – Nhìn từ Bình Thuận. Bài 3

11/08/2022, 05:26

Bài 3: Hướng về phía biển

Chính ngành kinh tế mới là điện gió ngoài khơi khiến vùng nội thủy rộng 21.000 km2 của Bình Thuận trở thành vùng biển lợi thế, quý hiếm, làm gia tăng thêm “cơn sốt” thu hút đầu tư trên nhiều mặt xung quanh phát triển công nghiệp ven biển cùng khu đô thị ven biển.

Sức hút từ biển

Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TW, báo cáo của Tỉnh ủy ban hành tháng 7/2022 cho thấy rất rõ các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh đều hưởng “ân huệ” từ biển một cách trực tiếp lẫn gián tiếp. Rõ nhất như du lịch và dịch vụ biển. Hầu như 6 huyện, thị, thành phố giáp biển và huyện đảo Phú Quý đều đã trở thành những vùng du lịch được ghi nhớ trong lòng du khách. Ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp biển, tắm biển, thưởng thức hải sản, chơi các môn thể thao biển, sắp tới du khách còn được trải nghiệm trọn vẹn những “bộ sưu tập” từ biển, đó là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển cao cấp và hàng loạt các dịch vụ du lịch cao cấp khác. Điều đó cũng đồng nghĩa những tổ hợp, khu phức hợp du lịch cao cấp của các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Novaland, TTC... với tổng vốn đầu tư của mỗi dự án trên 10.000 tỷ đồng, có quy mô từ 500 ha trở lên đồng loạt đi vào hoạt động. Đây được xem là sự đón đầu đầu tư của những “ông lớn” nhưng đồng thời cũng giúp du lịch Bình Thuận ra dáng của Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025, nhất là có “điểm nhấn” đảo Phú Quý đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.

cong-vien-khu-du-lich-novaworld-anh-nl-3-.jpg
Công viên vui chơi giải trí thuộc dự án Novaword, Tiến Thành, Phan Thiết Ảnh: Ngọc Lân

Nếu du lịch đột phá nhiều nét mới thì lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dù có lúc này lúc kia nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục ổn định. Nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản triển khai kịp thời nên dù xăng dầu tăng giá, ngư dân vẫn đánh bắt ở vùng biển xa, thông qua các tổ đội. Trong bối cảnh Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” liên quan đến phòng, chống đánh bắt vi phạm biển nước ngoài, việc kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/982 thuyền/4.910 lao động và 5 nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh như một sự gắn kết lại. Nhưng đồng thời đó cũng đưa sản lượng hải sản khai thác được cùng với hải sản nuôi trên biển, bảo đảm sản lượng cho chế biến, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng đều qua các năm, với 171,5 triệu USD của năm 2021 và 121,9 triệu USD của 6 tháng năm 2022. Bên cạnh, xây dựng và kết nối thành công 12 chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn thì tôm giống Bình Thuận ngày càng củng cố thương hiệu với sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng theo từng năm như năm 2021 đã được 25 tỷ post…

img_2160.jpg
Nhiều dự án du lịch ven biển Mũi Né có nguồn vốn đầu tư lớn Ảnh: Ngọc Lân

Nếu những ngành trên hưởng “ân huệ” trực tiếp từ biển thì các ngành kinh tế khác được tác động gián tiếp từ biển cũng có những kết quả nổi bật. Rõ nhất là bên cạnh sự hình thành ngành năng lượng tái tạo tại tỉnh trong khoảng thời gian ngắn thì ngành kinh tế biển mới như điện gió ngoài khơi cũng manh nha xuất hiện với kỳ vọng sẽ ra đời nhà máy tách nước biển sản xuất ra khí hydro xanh, một dạng năng lượng sạch rất quý mà thế giới quan tâm. Ngoài dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW, đã triển khai khảo sát vùng biển cũng như thỏa thuận phương án đền bù cho ngư dân nếu bị ảnh hưởng, còn có một số nhà đầu tư khác đã đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh cho khảo sát, nghiên cứu 8 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 22.200 MW. Tính ra, các dự án này đã chiếm diện tích 20.000 km2 mặt biển trong vùng nội thủy rộng 21.000 km2. Điều này làm gia tăng thêm “cơn sốt” thu hút đầu tư trên nhiều mặt xung quanh phát triển công nghiệp ven biển cùng khu đô thị ven biển. Vì thế, các khu công nghiệp như Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức… đang khẩn trương hình thành hay Khu công nghiệp Sông Bình, Cụm công nghiệp Thắng Hải 1, 2 đã bắt đầu thu hút nhà đầu tư chế biến khoáng sản titan. Trong khi đó, tuyến đường ven biển đang được nối dài thêm lên 43 km; 28 công trình, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cầu cảng, đê kè chắn sóng, chống xói lở bờ biển, khu neo đậu tránh trú bão; hạ tầng cấp nước sinh hoạt… ở các xã, phường ven biển đã và đang xây dựng. Vì thế, trong thời gian không xa nữa sẽ tạo ra kết cấu hạ tầng vùng ven biển Bình Thuận cơ bản đồng bộ, trong đó có 3 cảng biển hiện có, nhất là cảng quốc tế Vĩnh Tân đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận.

c0347t01.jpg
Đánh bắt hải sản thu hút nhiều lao động Ảnh: Ngọc Lân
da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-1-.jpg
Tàu đánh bắt hải sản ở thị xã La Gi Ảnh: Ngọc Lân
c0487t01.jpg
Chế biến hải sản xuất khẩu Ảnh: Ngọc Lân

“Thân thiện” với biển

Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững kinh tế biển Bình Thuận cho biết, kinh tế biển đâu chỉ có dự án, các công trình đầu tư, các ngành nghề liên quan đến biển. Sự phát triển của kinh tế biển được bền vững hay không còn tùy thuộc vào 5 nội dung khác như Nghị quyết 36 - NQ/TW đề ra. Đó là phải quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ tốt; phải nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; xử lý môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, đích đến của các vấn đề trên đều vì đời sống người dân vùng biển nằm trong mối tương quan với phát triển kinh tế biển bền vững.

Kết quả rõ nhất tại Bình Thuận là đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo ở miền biển tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Bằng chứng, tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực của những nơi này đã có bác sĩ về công tác. Trong khi đó, việc phổ cập giáo dục theo chuẩn quốc gia ở vùng biển cũng đã tăng từ bậc tiểu học lên trung học cơ sở với sự ghi nhận nỗ lực bằng nhiều cách của các ngành chức năng có liên quan ở tỉnh, nổi bật là mô hình “Thầy giáo quân hàm xanh”. Cũng trong thời gian trên, 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh đã đào tạo 2.539 người có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp của các ngành nghề phục vụ kinh tế biển…

Ở diễn biến khác, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mới và chuyển tiếp về phát triển kinh tế biển, các cơ quan chức năng cũng triển khai các giải pháp khác nhằm bảo đảm về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cụ thể như kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc… đều nhằm để bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo tồn nguồn lợi biển và người dân vùng biển là đối tượng hưởng lợi đầu tiên. Tương tự, với những đề án của Bộ Quốc phòng mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai hay công tác bảo đảm an ninh trật tự vùng biển của Công an tỉnh cũng là vì cuộc sống của dân vùng biển. Vì vậy, việc người dân thân thiện với biển qua tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền, an ninh, tài nguyên - môi trường tại khu vực biên giới biển và vùng biển của tỉnh là điều tương hỗ. Tuy nhiên, với nhận thức của người dân vùng biển, với áp lực sinh kế, mâu thuẫn trong khai thác biển giữa đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với điện gió ngoài khơi, du lịch… khiến mọi chuyện không đơn giản. Vì vậy, tình huống đặt ra cho công tác dân vận trở nên cấp thiết, là khâu đầu tiên nhấn mạnh giải quyết như xác định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Chương trình hành động số 60 cách đây 3 năm. Và thực tế cũng cho thấy dân vận đó rất cần sự kiên trì lẫn phối hợp không chỉ của hệ thống chính trị trong tỉnh. Câu chuyện phòng, chống đánh bắt bất hợp pháp vùng biển nước ngoài của Bình Thuận vẫn chưa chấm dứt tàu cá bị nước khác bắt giữ là một ví dụ.

BÍCH NGHỊ

Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển bền vững kinh tế biển – Nhìn từ Bình Thuận. Bài 3