Phan Thiết: Chuyển đổi số để người dân và doanh nghiệp hưởng lợi

16/01/2024, 05:40

Thành phố Phan Thiết nỗ lực chuyển đổi số (CĐS) hướng đến mục tiêu phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực...

"Trái ngọt" cho sự khởi đầu

Tháng 10/2022, TP. Phan Thiết chính thức khánh thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Trung tâm IOC Phan Thiết sẽ giám sát toàn bộ các hoạt động của thành phố qua hệ thống camera tầm cao và các camera an ninh trên tất cả 18 phường, xã phục vụ sự chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố. Đặc biệt, Hệ thống Phản ánh hiện trường, được gọi là “Phan Thiết-S”, là ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên nền tảng số. Sau thời gian triển khai thí điểm và vận hành Trung tâm IOC Phan Thiết đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của công dân. Kết quả rõ nét là sự tương tác của người dân trên ứng dụng Phan Thiết - S là khá cao. Rất nhiều phản ánh được người dân gửi đến chính quyền, đòi hỏi chính quyền phải tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng cho người dân đã mang lại hiệu ứng tích cực.

Trung tâm IOC Phan Thiết

Sự ra đời Trung tâm IOC có thể nói là “trái ngọt” đối với công tác chuyển đổi số của TP. Phan Thiết trong suốt thời gian qua. Theo ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, Trung tâm IOC Phan Thiết là bước đi đầu tiên của chính quyền thành phố nhằm tiến tới cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), góp phần cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... tiến tới mục tiêu phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân thành phố; góp phần đưa TP.Phan Thiết trở thành đô thị thông minh của tỉnh Bình Thuận.

Ứng dụng (Phan Thiết - S) giúp người dân tương tác với chính quyền.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm CĐS

CĐS là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. Để chuyển đổi số thành công cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và quan trọng nhất là cần có sự tham gia, đồng hành, ủng hộ không chỉ từ hệ thống chính quyền thành phố, mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân.

Trong năm 2023, thành phố tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng nội bộ (LAN) của UBND thành phố được đầu tư mới và đưa vào hoạt động thông suốt kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh. Hiện 18/18 phường, xã có hệ thống mạng LAN hoạt động và được kết nối   Internet băng thông rộng. Hàng năm các xã, phường đều rà soát nâng cấp trang thiết bị để đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho công việc, sử dụng các nền tảng số của tỉnh triển khai phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Dự án “Đầu tư mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Bình Thuận đến cấp xã” đã được triển khai đến 18 phường, xã và hoạt động thông suốt phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Trung ương, tỉnh, thành phố. Đồng thời, từng bước đầu tư hạ tầng mạng đảm bảo sẵn sàng chuyển đổi sang giao thức mạng thế hệ mới IPv6.

Công trình số hóa di tích lịch sử của Thành đoàn

Thành ủy, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa về tầm quan trọng của Đề án 06 và công tác CĐS xác định quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc đạt 100%. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai có hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều hành. Các cơ quan, địa phương triển khai sử dụng hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, cá nhân...

Tuy nhiên, hiện nay một trong những khó khăn, trở ngại là đa phần trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, không thông thạo các thao tác trực tuyến qua mạng, nhiều người chưa có thẻ ngân hàng, ví điện tử nên khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt và các giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Điều này dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao. Thành phố duy trì hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu phố của 18 địa phương góp phần quan trọng đưa người dân lên môi trường số, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chính quyền số...

Hy vọng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng cùng với chính quyền thành phố Phan Thiết sẽ tạo nên dấu ấn đậm nét về CĐS.

THANH DUYÊN

Related articles
Đề án 06 là điểm sáng của công tác chuyển đổi số
BTO- Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Chuyển đổi số để người dân và doanh nghiệp hưởng lợi