Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia ghi nhận dòng dung nham trượt dài 1,5 km, trong khi cột mây tro nóng bốc cao 100 mét và bay xa tới 7 km về phía dưới sườn núi. Ít nhất 5 vụ lở đất đá trên núi đã xảy ra. Trước đó, kết quả quan trắc núi Merapi cho thấy từ ngày 3-9/3 đã xảy ra 19 vụ lở đất đá kèm dung nham trên núi Merapi.
Núi lửa Merapi phun trào dung nham và mây tro nóng (Ảnh: DetikNews)
Vụ phun trào suốt cả ngày 11/3 đã che khuất ánh nắng mặt trời và tro bụi rơi xuống bao phủ nhiều ngôi làng thuộc quận Magelang và Boyolali ở Trung Java. Nhà chức trách buộc tạm dừng các hoạt động du lịch và khai khoáng ở núi lửa Merapi. Cư dân được yêu cầu nâng cao cảnh giác, ngừng mọi hoạt động trong khu vực nguy hiểm có bán kính từ 3-7 km tính từ miệng núi lửa, đồng thời tránh xa miệng núi lửa ít nhất 7 km. Chính quyền địa phương cho biết sẽ sơ tán người dân khi mây tro bụi tiếp tục di chuyển xa hơn 7 km hướng đến sông Bebeng hoặc sông Krasak.
Tro bụi núi lửa phủ kín nhiều đường phố, ngôi làng ở Trung Java. (Ảnh: Tempo)
Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về việc các chuyến bay ở sân bay quốc tế Yogyakarta bị hủy, hoãn do ảnh hưởng từ tro bụi núi lửa Merapi. Trong khi đó, khu vực đền Phật giáo Borobudur lớn nhất thế giới cách núi lửa Merapi khoảng 40 km vẫn hoạt động bình thường.
Đây là vụ phun dung nham lớn nhất ở núi lửa Merapi kể từ khi ngọn núi này được đặt trong trạng thái cảnh báo mức độ 2 vào cuối năm 2020.
Núi lửa Merapi cao 2.968m nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Yogyakarta và Trung Java, là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Hiện có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong bán kính 10 km quanh núi lửa.
Năm 2010, núi lửa Merapi phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và 280.000 người phải sơ tán. Lần phun trào mạnh nhất của núi lửa Merapi diễn ra năm 1930 đã cướp đi sinh mạng của 1.300 người.