Nữ Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn năng nổ

12/10/2022, 10:31

Ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, nói đến bà Nguyễn Thị Săng - Trưởng Ban công tác Mặt trận, thì đồng bào Rắc Lây đều dành cho bà những lời tốt đẹp. Bà là người có uy tín, giỏi phát triển kinh tế và sẵn lòng giúp đỡ đồng bào.

ba-sang-1-.png

Năm 1989, bà Săng rời quê hương huyện Bắc Bình, đến vùng đất thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa lập nghiệp như một cơ duyên. Bà là người Chăm nhưng qua hơn 30 năm sinh sống với cộng đồng người Rắc Lây nên hầu như trong giao tiếp với đồng bào bà đều sử dụng tiếng Rắc Lây; điều này chứng tỏ thiện chí, tình cảm chân tình của bà với đồng bào. Toàn thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa hiện có 365 hộ/1.431 khẩu, đời sống dựa vào sản xuất gần 400 ha đất màu, 81 ha lúa nước và hơn 20 ha cây ăn quả, thanh long và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhận thấy, việc sản xuất cây màu ngắn ngày như mè, đậu các loại theo phương thức truyền thống, chủ yếu dựa vào nước trời, thường bị thất thu mỗi khi thời tiết không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp; 5 năm gần đây, bà Săng vận động đồng bào chuyển đổi sang trồng bắp lai; đồng thời trực tiếp phối hợp với Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh mở đại lý, đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giúp đồng bào sản xuất hiệu quả cây trồng này. Bà Săng cho biết: Vụ bắp lai năm 2022, toàn thôn có hơn 120 hộ tham gia sản xuất gần 100 ha, chiếm 1/3 diện tích đất màu toàn thôn; tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước. Với vai trò Tổ trưởng Tổ vay vốn, bà nắm bắt sát sao điều kiện của từng hộ gia đình trong thôn; qua đó hướng dẫn 2.795 thực hiện các thủ tục vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT huyện, để phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

ba-sang-3-.png

Hơn 10 năm về trước, trường hợp sinh con đông, đẻ dày luôn hiện hữu trong mỗi gia đình đồng bào Rắc Lây thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa; đây cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển; nhận thấy điều đó, với vai trò là cộng tác viên dân số, bà Săng đã thường xuyên theo dõi, nắm rõ từng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động họ thực hiện KHHGĐ, chỉ rõ mặt hạn chế, những hệ lụy của việc sinh đông, đẻ dày ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống; ngược lại sinh con thưa, sinh ít bà mẹ có điều kiện chăm sóc con tốt hơn, có thời gian lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, những năm gần đây, đồng bào có sự chuyển biến đáng kể trên lĩnh vực dân số và KHHGĐ, trường hợp sinh con thứ 3 trở lên giảm hẳn; các bậc làm cha, mẹ ở thôn Dân Hiệp cũng chú trọng hơn đến việc học tập của con em mình; trước đây họ có suy nghĩ chỉ cần con học cho biết đọc, biết viết là được; nhưng nay họ luôn luôn động viên con mình tiếp tục học đến nơi đến chốn. 5 năm gần đây, vào mỗi đầu năm học, học sinh 5 tuổi vào mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100%; tình trạng học sinh THCS bỏ học giữa chừng giảm hẳn; cùng với đó, đồng bào tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; vận động con em tránh xa các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; hàng năm thôn có trên 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thôn giữ vững thôn văn hóa 5 năm liền. Đây là sự nỗ lực lớn của thôn, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; trong đó, có sự đóng góp tích cực của bà Săng.

ba-sang-2-.png

Ông Mang Đậu – Bí thư chi bộ thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa cho biết: 32 năm gắn bó, tham gia công tác xã hội, lĩnh vực nào bà Săng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chi bộ thôn, Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao. Năm 2022, bà Săng gần bước qua tuổi 60; vẫn còn khỏe khoắn, chân bước nhanh nhẹn, lời nói thanh thoát; khi được hỏi động lực nào mà bà cùng tập thể cấp ủy, Ban điều hành, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa làm tốt các mặt công tác như 32 năm qua. Bà Săng chia sẻ: chính vì được đồng bào tín nhiệm, là nguồn động viên giúp bà vượt qua những lúc khó khăn. Tham gia công tác xã hội ở cơ sở giống như “vác tù và hàng tổng”, nhưng đổi lại là làm những việc có lợi cho dân nên tôi luôn tâm niệm phải cố gắng, kiên trì đến cùng.

NGUYỄN THƯỜNG

Related articles
La Gi: Nỗ lực phổ biến Luật Thủy sản đến ngư dân
Ngoài tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, tiếp công dân, hòa giải, xử lý vi phạm hành chính, thì La Gi cũng nỗ lực tuyên truyền Luật Thủy sản đến các xã, phường thuần ngư.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn năng nổ