Trong bối cảnh thị trường thanh long bất ổn, Hàm Thuận Nam, nơi có diện tích lớn trồng thanh long đã làm gì để bảo đảm thu nhập cho người dân?
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Giá trị trong khó khăn
Bây giờ cho đến tháng 4, 5 năm sau, nhà vườn thanh long và cả nậu vựa, cơ sở, doanh nghiệp mua thanh long trên địa bàn huyện đều nuôi hy vọng giá thanh long sẽ tăng và hút hàng sang thị trường Trung Quốc. Vì thời gian này, Trung Quốc vào mùa lạnh nên thanh long trồng ở vùng ôn đới sẽ không nhiều trái. Vả lại, nếu có trái cũng không thể cạnh tranh lại trái thanh long được trồng vùng nhiệt đới, nhất là như ở Bình Thuận. Điều này như tiếp thêm động lực, vì những tháng qua, thanh long ở Hàm Thuận Nam nhờ ở vùng đất cao, ít sâu bệnh nên dù giá nhiều lúc sụt, ít lúc tăng nhưng nhà vườn vẫn kiên trì chăm sóc, cho sản phẩm ra thị trường. Và chờ đợi đến thời điểm giá thanh long tăng lên lại, trong khi bối cảnh chung các nơi khác chuyển đổi sang cây trồng khác và bỏ không chăm sóc vườn thanh long, làm việc khác. Điểm níu kéo và củng cố trong hoàn cảnh trên là nhờ sự hoạt động của các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện từ năm 2021, theo chính sách hỗ trợ từ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ, Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Thuận.
Đó là 3 dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023 trên 136 ha/4.080 tấn thanh long và tổng kinh phí 14.311,662 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 9.285,602 triệu đồng, vốn đối ứng 5.026,06 triệu đồng. Kết năm 2021, cả 3 dự án này đều đạt kế hoạch và yêu cầu đặt ra là 76 ha/2.280 tấn và kinh phí hỗ trợ là 1.951,783 triệu đồng. Còn năm nay, trên địa bàn huyện xuất hiện thêm 2 dự án liên kết khác. Đó là Dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm với diện tích 103,6 ha và Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò của HTX Thuận Minh Phát tại xã Hàm Cần.
Tạo ra biến đổi
Sự xuất hiện các dự án trên như tạo một sự kích thích vào thị trường thanh long ở đây vẫn hoạt động bình thường, vì các đơn vị này không chỉ mua thanh long của các nhà vườn trong liên kết mà còn mua thanh long của các hộ dân chưa tham gia liên kết. Mặt khác, điều đó tạo thêm sự mạnh dạn hơn ở các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thanh long khác, vốn trước đó đã trải qua nhiều thua lỗ, nhìn thị trường lo ngại. Nhờ vậy, bước đầu đã giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân với giá ổn định, tránh được tình trạng ép giá khi tới mùa vụ. Đồng thời, tạo động lực cho nhà vườn áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng, sự đồng đều cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam: “Hiện nay việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế do trình độ nhận thức của một bộ phận nông dân còn chưa cao; đối với các hợp tác xã thì thành viên có trình độ nghiệp vụ quản lý chưa cao. Do đó, chưa tạo được sự thu hút đối với các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, tiêu thụ”.
Đó là một thực tế, vì hiện nay trên địa bàn huyện đang duy trì 18 HTX, 183 tổ hợp tác với 4.250 tổ viên, đa số là hoạt động sản xuất thanh long. Để có sự biến đổi hơn cũng là triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo Nghị định số 98/2018, UBND huyện Hàm Thuận Nam đề ra các giải pháp phải triển khai trong thời gian tới. Đó là huy động các nguồn lực để liên kết, hợp tác phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn các lĩnh vực, dự án thế mạnh để ưu tiên đầu tư, cụ thể là thanh long và các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của huyện. Bên cạnh là tăng cường hơn công tác khuyến nông, khuyến ngư; điều chỉnh để phù hợp quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng như về nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn vốn phù hợp theo quy định, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 với Công ty TNHH TM Đối ngoại TFHD đã tiêu thụ 780 tấn thanh long từ 26 ha của 20 hộ dân ở xã Hàm Minh. Còn Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo với Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn xã Mương Mán đã mua 600 tấn thanh long từ 20 ha của 15 nhà vườn. Trong khi đó, Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Bối Trác với Hợp tác xã thanh long Quốc Cường đã mua 900 tấn thanh long từ 30 ha của 10 nhà vườn ở xã Thuận Quý.