Nơi lưu giữ nghề đũa buông truyền thống

08/08/2024, 05:07

Hợp tác xã, sản xuất kinh doanh đũa Thái Nguyên (HTX Thái Nguyên) ở thôn 2, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân mà còn lưu giữ nghề đũa buông truyền thống.

HTX Thái Nguyên có lịch sử hình thành khá đặc biệt, bắt nguồn từ vợ chồng ông Nguyễn Quang Thái và Nguyễn Thị Thu Đông. Cả hai gắn bó với sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cây lá buông, loài cây phát triển mạnh ở vùng đất Hàm Tân, Tánh Linh từ thập niên 1980.

20240315_092443.jpg
Bảng hiệu của HTX đũa Thái Nguyên 

Từ một cơ sở nhỏ lẻ

Trước khi thành lập HTX Thái Nguyên, cách đây hơn 30 năm gia đình ông bà Thái làm nghề mành sáo hay còn gọi rèm cửa từ lá buông ở thôn Suối Máu, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân. Thời điểm đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững trên cả nước. Trong đó tỉnh Thuận Hải (chia tách Bình Thuận và Ninh Thuận) có huyện Hàm Tân, La Gi có các HTX như Tiên Tiến, Đoàn Kết, 19/5, Thống Nhất… khai thác cây buông để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu nguyên liệu thô trong và ngoài nước.

Bà Thu Đông chia sẻ: “Năm 1976, bà đi học ngành thủ công mỹ nghệ, ra trường với bằng loại giỏi, bà cùng chồng phát triển cơ sở làm nghề thủ công mỹ nghệ, chủ yếu làm mành sáo xuất khẩu trong và ngoài nước. Đến năm 1991, thấy người trong thôn phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống đi rừng lấy mép của bẹ lá buông già mang về làm đũa ăn và bán, rồi năn nỉ bà mua hoặc đổi gạo. Sau đó, bà mua và thu gom bán lại cho người dân trong vùng và lân cận”.

20240315_091232.jpg
Mép bẹ buông già được chẻ ra làm đũa.

Năm 1997, khi cây buông ở Hàm Tân bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt ông bà chuyển cơ sở sản xuất của mình đến thôn 2, xã Suối Kiết, nơi cây buông còn khá nhiều, nhưng cũng trong tình trạng bị tàn phá. Để bảo vệ loài cây này, UBND tỉnh giao cho HTX Lâm Nông nghiệp Suối Kiết 814 ha đất lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 332 quản lý phục hồi, nuôi dưỡng, bảo tồn gen, trồng và phát triển cây buông nhằm để phát triển sản xuất, chế biến mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. UBND xã Suối Kiết cũng thành lập tổ hợp sản xuất đũa buông, tái sinh nghề truyền thống bị mai một. Đồng thời giao cho ông Nguyễn Quang Thái, người rành nghề làm đũa buông phụ trách tổ hợp cùng 3 thành viên khác. Nhưng rồi diện tích rừng buông ngày càng thu hẹp do cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cây ăn quả xâm lấn. Hết nguồn nguyên liệu tại chỗ, chi phí mua nguyên liệu bên ngoài để nuôi tổ hợp thì cao, nên tổ hợp trụ được không bao lâu rồi giải tán. Với quyết tâm giữ nghề ông Thái tự mình xoay xở bằng cách vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp huyện thành lập cơ sở sản xuất đũa buông của riêng mình, lấy tên là Thái Nguyên.

20240315_091458-0-.jpg
Một công nhân của HTX đang  làm đũa buông. 
20240315_083322.jpg
Phân loại đũa
20240315_091350.jpg
Nhiều bó đũa đã được phân loại đưa ra thị trường.

Gia nhập liên minh HTX

Đến năm 2018 cơ sở làm đũa của ông Thái gia nhập Liên minh HTX Bình Thuận theo tinh thần Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020, lấy tên Hợp tác xã, sản xuất kinh doanh đũa Thái Nguyên.

Đây cũng là cách ủng hộ địa phương về đích nông thôn mới khi chương trình yêu cầu phải đạt 19 tiêu chí, trong đó có nhóm nội dung kinh tế và tổ chức sản xuất. Điều này cũng phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 bắt buộc cấp xã phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

HTX Thái Nguyên hiện có 8 thành viên, trong đó ông Thái, người đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất là Chủ nhiệm HTX. Vốn cổ phần ban đầu, mỗi thành viên 10 triệu đồng, tổng số tiền 80 triệu đồng. Toàn HTX có khoảng 15 hộ gia đình (xã viên) trong xã tham gia, họ được cấp phát gỗ thô về chẻ, rồi vót thành đũa. Sau đó mang đến xưởng hoặc trụ sở HTX, nơi được đặt tại nhà ông Thái, thường xuyên có khoảng 4 – 5 thợ làm việc bao gồm thợ vận hành máy đánh bóng đũa. Ông Thái cho biết: “Các khâu sản xuất đũa đều khoán hết cho xã viên, còn khâu cuối cùng hoàn thiện sản phẩm tự tay ông hoặc thợ có tay nghề, kỹ thuật cao làm. Thị trường được mở rộng, sản lượng tăng cao nên giá cả có tăng lên, mức khoán ở các khâu cắt, xẻ, chẻ, vót đều cao hơn trước đây làm cho bà con phấn khởi nhận khoán nhiều hơn”.

Hiện sản phẩm đũa của HTX đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phía Bắc, nơi mùa đông lạnh lẽo nhiều gia đình sử dụng máy rửa bát, chén. Vì đũa buông đưa vào máy rửa không bị gãy như các loại đũa khác. “Lúc đầu tôi không biết vì sao họ cứ gọi hỏi mua loại đũa buông. Qua tìm hiểu mới biết sử dụng đũa buông rất bền chịu được va đập mạnh”, bà Thu Đông chia sẻ. Chính vì thế mang lại doanh thu cho HTX, bình quân 3 – 4,5 tỷ đồng/năm. Công nhân bình thường là những xã viên vừa làm công việc nhà, mùa màng, vừa nhận gỗ thô về vót đũa công 5 triệu đồng/tháng, còn công nhân tay nghề cao làm việc trực tiếp ở xưởng gần 20 triệu đồng/tháng, ông Thái chia sẻ.

Bà Trần Thị Bích Châm - Chủ tịch UBND xã Suối Kiết cho biết, HTX Thái Nguyên đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân trong xã. Đây là HTX hoạt động có hiệu quả, đi đầu trong ý thức chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương. UBND xã đặc biệt quan tâm HTX nhằm khuyến khích phát triển mô hình HTX trên địa bàn xã theo tinh thần kế hoạch của tỉnh cũng như huyện về phát triển kinh tế tập thể HTX năm 2024. Đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện để HTX ngày càng phát triển mở rộng hơn.

Theo kế hoạch của UBND huyện Tánh Linh, trong năm 2024, toàn huyện sẽ thành lập thêm 9 HTX. Trong đó ở Suối Kiết, ngoài HTX Thái Nguyên, xã đang chuẩn bị các bước để thành lập HTX cây ăn trái theo chủ trương và định hướng của UBND huyện.

NINH CHINH

Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi lưu giữ nghề đũa buông truyền thống