Niềm vui ở ngôi trường vùng khó

21/11/2022, 05:53

Nằm sâu trong con đường đất gập ghềnh, mịt mù bụi khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, xã Sông Bình đúng nghĩa là trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Bình. Thế nhưng, giáo viên ở đây vẫn luôn nỗ lực, quyết tâm bám trụ, tận tụy với nghề “đưa đò” để mang con chữ đến với học trò, hy vọng các em có được tương lai tươi sáng.

Vì tình yêu nghề

Thật khó để có thể nói hết được sự vất vả của người giáo viên vùng sâu vùng xa. Vượt qua mọi gian khó, thiếu thốn cùng với những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp trồng người, họ tận tụy “ươm mầm” cho ước mơ của các em học sinh nơi vùng khó được bay xa, bay cao.

truong-bac-binh.jpg
Niềm vui của các em học sinh vùng sâu vùng xa khi được đến trường.

Thầy Bùi Đình Đài – giáo viên gắn bó lâu năm với Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ bồi hồi nhớ lại: “Trường nằm trong vùng sâu nên điều kiện đi học của các em cũng như việc đi dạy của giáo viên hết sức khó khăn. Trước chưa có cầu, đường, để đến lớp học, thầy và trò phải đi bộ nhiều cây số hoặc bơi qua sông rất nguy hiểm. Phòng học tạm bợ được làm bằng nhà tranh vách đất, trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu thốn trăm bề. Vất vả là thế, nhưng nhìn các em chăm ngoan làm bản thân thầy và nhiều giáo viên khác ngày càng thêm yêu vùng đất này và bám trụ cho đến giờ”.

truong-bac-binh-1.jpg
Nhà ở tập thể cho giáo viên được bàn giao giúp cho thầy cô Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thêm yên tâm công tác.

Ở đây, đa phần giáo viên đều đi dạy xa nhà, từ Phan Hòa, Chợ Lầu, Hồng Thái, Phan Rí Thành… cách trường 50 – 60 km. Hàng ngày các thầy, cô phải dậy từ 3-4 giờ sáng để đến trường, như cô Thông Thị Kim Liên – giáo viên dạy tiếng Anh của trường, nhà ở Phan Hòa lại có con nhỏ nhưng khi hỏi về sự vất vả khi hàng ngày phải vượt qua hơn 100 km cả đi và về, cô Liên liền vui vẻ chia sẻ, trước đây cô dạy ở Trường Quốc tế Anh ngữ trong TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu do sinh em bé nên xin về quê. Sau thời gian dạy học, giờ con cũng đã gần 4 tuổi nhưng vì thương các em học sinh nơi đây còn nhiều thiệt thòi nên cô vẫn cố gắng bám trụ với mong muốn để các em học sinh được tiếp cận với nhiều chương trình tiếng Anh mới.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - cô Nguyễn Thị Lựu chia sẻ: Nhiều năm qua, việc dạy và học nơi vùng sâu vùng xa hết sức gian nan từ việc ăn, ở, đi lại của giáo viên đến việc vận động các em ra lớp, chuẩn bị giáo án và truyền đạt kiến thức, phòng học, trang thiết bị... đều hạn chế. Khó khăn là vậy nhưng những người thầy, người cô bằng tấm lòng yêu nghề đã vượt qua tất cả để cống hiến công sức, tuổi xuân của mình với mong muốn mang con chữ đến các em học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước.

Niềm vui nhân đôi

Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thuộc thôn Sông Bằng trước đây là cơ sở phụ của Trường tiểu học Sông Bình được tách ra từ năm 2008. Hiện trường có 1 cơ sở phụ ở thôn Đá Trắng với tổng học sinh 136/81 học sinh dân tộc gồm 10 lớp ở cả 2 cơ sở. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự phấn đấu vươn lên của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên.

Từ nguồn vốn xổ số kiến thiết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tháng 10/2021, trường được xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 25/9/2022 với các phòng học, phòng chức năng mới, đảm bảo cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu dạy và học.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ban giám hiệu nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Và niềm vui càng được nhân đôi khi mới đây, trường tiếp tục được bàn giao nhà ở tập thể cho giáo viên với diện tích 60 m2 gồm 2 phòng nghỉ và 1 bếp ăn. Tổng trị giá gần 250 triệu đồng, đây là công trình do Hội Chữ thập đỏ phối hợp vận động Quỹ Tâm Nguyện Việt (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã trao tặng trường 2 máy lọc nước, cùng nhiều vật dụng như quạt, nồi cơm điện... Công trình như một món quà gửi đến thầy cô nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, qua đó thể hiện tấm lòng tri ân, chia sẻ nỗi vất vả của thầy và trò Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Dẫu phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng mỗi thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn tràn ngập niềm tin. Ngôi trường mới, lớp học mới sẽ góp phần tạo dựng nên một diện mạo mới cho giáo dục vùng khó, tiếp thêm động lực để thầy cô giáo, học sinh bám lớp, bám trường, nỗ lực thi đua nâng cao chất lượng giáo dục.

NGỌC HÂN

Related articles
Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Những ngày này, tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) nhằm thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, tạo nên những sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui tươi cho giáo viên và học sinh.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui ở ngôi trường vùng khó