Những khó khăn trong dạy học tiếng Chăm

20/06/2023, 05:36

Những năm qua công tác dạy học tiếng Chăm tại các trường tiểu học trong tỉnh được quan tâm và duy trì. Tuy nhiên, việc dạy học tiếng Chăm trong các cơ sở giáo dục trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bảo tồn, phát triển tiếng Chăm

Bình Thuận là một trong những địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống. Để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiếu số, nhất là tiếng Chăm đã được tỉnh quan tâm và duy trì thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bồi dưỡng. Hiện toàn tỉnh có 72 giáo viên có chứng nhận về bồi dưỡng giảng dạy tiếng Chăm, trong đó có 48 giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếng nói, chữ viết Chăm tự chọn tại các cơ sở giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

ca52e24c-df57-4c76-8da3-a177a4a599ad.jpeg
04116941-c9c6-492e-acf1-eeecb19b7310.jpeg
Dạy học tiếng Chăm bậc tiểu học

Theo Sở GD&ĐT, về cơ sở vật chất cơ bản đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách đối với học sinh và giáo viên tại địa phương nói chung được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc theo đúng các văn bản hướng dẫn hiện hành là 0,3 mức lương cơ sở/tháng, chi trả theo lương hàng tháng. Học sinh được hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu học tiếng Chăm nhằm khuyến khích học sinh trong học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục, giúp củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Chăm trong nhà trường.

Kết quả, hiện tỉnh Bình Thuận đã triển khai dạy học tiếng Chăm tự chọn trong các cơ sở giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học tại 4 huyện (Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân) có số đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người dân tộc Chăm. Ngoài việc dạy tiếng Chăm trong nhà trường, vào dịp Lễ hội Katê, các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch, tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Chăm huyện Bắc Bình, Tháp PoshaInư… mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó giúp học sinh thêm yêu thích, tự hào về ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc Chăm.

Còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc dạy học tiếng Chăm trong các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện cấp THCS và THPT chưa tổ chức dạy tiếng Chăm trong trường, vì chưa có sách giáo khoa (SGK) và đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này. Bộ thiết bị dạy học tiếng Chăm theo chương trình mới chưa được ban hành đưa vào sử dụng kịp thời, phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng Chăm tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, hiện nay giáo viên tiểu học thiếu so với quy định, đa số các trường ưu tiên bố trí dạy học đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Đối với môn tự chọn tiếng Chăm, các cơ sở giáo dục phổ thông chỉ có thể bố trí dạy 1 - 2 tiết/tuần, gặp khó khăn trong thụ hưởng chế độ quy định. Bởi trong trường hợp này, giáo viên phải dạy đủ định mức 4 tiết/tuần; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ định mức 2 tiết/tuần thì mới được hưởng phụ cấp công việc bằng 0,3 mức lương cơ sở. Mặt khác, đội ngũ giáo viên hiện tại chỉ bồi dưỡng chuyên môn về dạy học tiếng Chăm tại địa phương, chưa đào tạo đạt chuẩn trình độ về dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả công tác dạy học tiếng Chăm trong các cơ sở giáo dục, UBND tỉnh tiếp tục tham mưu các bộ, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện đào tạo bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn dạy tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền, giảng dạy, phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người Chăm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án thực hiện đào tạo ngành, chuyên ngành sư phạm tiếng dân tộc thiểu số hoặc chỉ đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên về chuyên môn dạy tiếng dân tộc thiểu số, để đảm bảo dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa tiếng Chăm cấp tiểu học, hướng tới cấp THCS, THPT.

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh triển khai dạy học tiếng Chăm tại 12 trường tiểu học với 132 lớp/3.683 học sinh được học môn tự chọn tiếng Chăm từ lớp 1 – lớp 5.

THANH THUỶ

Related articles
“Tiếp sức mùa thi” đồng hành cùng thí sinh
Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay bắt đầu với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 diễn ra ngày 5,6,7/6. Chương trình triển khai đồng loạt tại khắp các điểm thi với nhiều hoạt động thiết thực nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và phụ huynh để kỳ thi diễn ra thuận lợi.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những khó khăn trong dạy học tiếng Chăm