Nhiều vấn đề an sinh xã hội được quan tâm tại kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh

17/07/2024, 16:02

BTO-Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024, các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều vấn đề trên lĩnh vực văn hoá – xã hội.

Nhiều khó khăn trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Trên lĩnh vực giáo dục, đại biểu Lê Nghiễm Vi - Phó Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Tính đến tháng 6/2024 các cấp học toàn tỉnh có 265/533 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 49,72%), trong đó khối trung học cơ sở có tỷ lệ đạt cao nhất là 59,54%, tương ứng 78/131 trường, khối trung học phổ thông có tỷ lệ đạt thấp nhất là 7,69%, tương ứng 2/26 trường. Đại biểu Vi cho rằng, hiện nay, nhiều trường học đã đạt chuẩn quốc gia nhưng gặp khó khăn để giữ chuẩn hoặc nâng chuẩn, nhiều trường được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ nên khó đạt chuẩn.

Cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, thiếu phòng chuyên môn, một số trường học chưa đạt tỷ lệ 1 phòng/lớp để tổ chức 2 buổi/ngày. Theo đại biểu Vy, trong nhiều nguyên nhân, nổi lên các nguyên nhân thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà nước ở địa phương như năng lực, chất lượng kiểm tra; thiếu quan tâm việc sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị định kỳ; thiếu  kiểm tra, giám sát chất lượng trong quá trình thi công xây dựng và hiệu quả sau đầu tư...

7b9a7822-d0eb-4f2b-a73e-49946156dad8.jpeg
Đại biểu Lê Nghiễm Vi nêu ý kiến tại kỳ họp

Đại biểu Vi đề nghị UBND tỉnh lãnh đạo tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư...Có kế hoạch, lộ trình bố trí, sắp xếp nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, hợp lý; có giải pháp nâng cao năng lực kiểm tra, góp ý hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài của các trường; cần đánh giá thực chất kết quả, hiệu quả, việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn khi công nhận, công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia...

Chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN

Trên lĩnh vực y tế, đại biểu Vi cho rằng, khó khăn kéo dài của ngành y tế vẫn là tình trạng thiếu đội ngũ bác sỹ có chuyên môn sâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khó khăn, thiếu đồng bộ, điều kiện làm việc thiếu thốn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Năng lực của hệ thống y tế còn hạn chế, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ các phần chi phí gây khó khăn trong việc tự chủ của các đơn vị. Thiếu hoá chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao...phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cũng như phục vụ hoạt động thường xuyên tại các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh...

Để phát huy tính hiệu quả của chính sách đã ban hành, đại biểu Vi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ động phối hợp sở ngành liên quan tổ chức thực hiện, trong đó đẩy mạnh chính sách thu hút bác sĩ để bổ sung bác sĩ thực hiện ngay nhiệm vụ khám chữa bệnh. Hoàn thành sớm việc tuyển dụng viên chức y tế năm 2024 để bảo đảm quyền lợi của nhân viên y tế và đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực cho hoạt động các đơn vị y tế. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chủ động đảm bảo đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị, hoá chất và sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân…

5aaf80cb-357c-4429-8bb6-456398d93bba.jpeg
Đại biểu Hồ Công Dương nêu ý kiến tại kỳ họp

Còn đại biểu Hồ Công Dương – huyện Hàm Tân cho biết: 6 tháng đầu năm 2024 có 413 doanh nghiệp đã giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Việc giải thể và tạm ngưng hoạt động của các doanh nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người lao động. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 151 tỷ 556 triệu đồng, tăng 2 tỷ 813 triệu đồng, tương ứng tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 97 tỷ 608 triệu đồng, chiếm 61,4% trên tổng số tiền chậm đóng. Nhiều đơn vị chậm đóng với số tiền lớn, kéo dài nhiều tháng nhưng chưa khắc phục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đại biểu Dương đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục có giải pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi, chính đáng của người lao động. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động để các doanh nghiệp sớm quay trở lại hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh cần có biện pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nêu trên.

Quan tâm công tác giảm nghèo

Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Thanh Thị Kỷ - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định: Từ 2015 đến nay các hộ nghèo, cận nghèo sau này, tuy được nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách thuộc chương trình hộ nghèo, cận nghèo. Kinh tế vẫn khó khăn và không mang tính ổn định, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng núi vùng cao vẫn còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Luật đất đai 2024, điều 16 quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đây là nội dung rất nhân văn nhằm tháo gỡ những khó khăn về đất đai cho đồng bào DTTS. Đại biểu Kỷ đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND cấp huyện căn cứ các quy định của Luật và tình hình thực tế tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

889370da-c8cf-4440-87d3-8cbda5f6fc98.jpeg
Đại biểu Thanh Thị Kỷ nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Liên quan đến thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Lê Nghiễm Vi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở chuyên môn, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân để trình HĐND tỉnh điều chỉnh dự toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh theo chủ trương tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội. Các sở ngành cần chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu chung của chương trình.

Những nội dung trên đã được các sở, ngành liên quan thông tin, làm rõ tại kỳ họp.

THANH THUỶ - KIỀU HẰNG (ẢNH Đ. HOÀ)

Related articles
Kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI: Nhiều ý kiến thảo luận về các vướng mắc trong phát triển kinh tế
Trong phiên họp buổi sáng ngày 17/7, HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều vấn đề an sinh xã hội được quan tâm tại kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh