Kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI: Nhiều ý kiến thảo luận về các vướng mắc trong phát triển kinh tế

17/07/2024, 14:11

Trong phiên họp buổi sáng ngày 17/7, HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã đọc báo cáo tóm tắt các nội dung này.

70f157b3c10a63543a1b.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Trong đó, nội dung nhấn mạnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản từ 24,63% trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 22,62% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ từ 75,37% lên 77,38%.

dsc_2405.jpg

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ năm 2023 , cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn những khó khăn, thách thức. Số lượng thu hút dự án đầu tư chấp thuận mới cũng như dự án đi vào hoạt động còn hạn chế. Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thấp, đạt 4,49% kế hoạch, giảm 71,26% so cùng kỳ. Dịch vụ du lịch tiếp tục có mức tăng trưởng nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế…

ab9637e21b58b906e049.jpg
ĐB nêu ý kiến tại kỳ họp.

Sau khi nghe báo cáo, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung đánh giá của UBND tỉnh về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024. Đại biểu (ĐB) Lâm Hồng Tuyên - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu ý kiến: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh giảm dần qua từng năm, còn có sự chênh lệch trong tỷ lệ giải ngân giữa khối tỉnh và khối huyện. Về thực hiện các dự án trọng điểm, một số dự án vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến tiến độ bố trí, giải ngân vốn theo kế hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm chưa đảm bảo, chậm tiến độ làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư.

1i32i0bfb_49kkoq.jpeg
ĐB Lâm Hồng Tuyên.

Theo ĐB Tuyên, để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đầu tư công trong thời gian tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo sở, ngành liên quan nâng cao chất lượng trong bước lập chủ trương đầu tư, kết hợp rà soát những định hướng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm để sắp xếp thứ tự ưu tiên đưa vào kế hoạch đầu tư công 5 năm, đảm bảo thực hiện khả thi, phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư. Chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh…

c8e830e5215f8301da4e.jpg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

ĐB Hồ Thị Kim Lệ - Đơn vị Bắc Bình nêu ý kiến: Hiện nay tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án, nhất là một số công trình trọng điểm tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Ngoài ra, kết quả giải ngân vốn đầu tư công; vốn 3 Chương trình MTQG đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tính đến ngày 28/6/2024, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công chỉ đạt 17,93% so với kế hoạch giao sau khi điều chỉnh giảm (trả lại kế hoạch vốn 453 tỷ đồng); nguồn vốn 3 Chương trình MTQG năm 2024 chỉ đạt 13,44% so với kế hoạch giao…Theo ĐB Lệ, việc triển khai lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch ở các địa phương nhìn chung còn chậm, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, xây dựng còn hạn chế; nhất là còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ khoáng sản trái phép tại một số địa phương, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời…

1d503a0f16b5b4ebeda4.jpg
Đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận.

Cùng nêu ý kiến tại phiên họp, ĐB Lê Văn Toàn – Đơn vị Đức Linh cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn; doanh nghiệp thành lập mới giảm. Do đó cử tri rất quan tâm đến các con số này, cần phải được phân tích, tháo gỡ, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng phát triển hơn. Trên lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Toàn nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tiểu ngạch sang chính ngạch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường, để nông sản chủ lực của tỉnh thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới…

Các ý kiến trong phiên thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều nay (17/7).

KIỀU HẰNG - THANH THỦY, ẢNH Đ. HÒA

Related articles
Họp báo thông tin về kỳ họp thứ 23 - HĐND tỉnh, khóa XI
Chiều 17/6, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức buổi họp báo, thông tin về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khóa XI. Dự buổi họp báo có lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và báo chí thường trú tại tỉnh.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI: Nhiều ý kiến thảo luận về các vướng mắc trong phát triển kinh tế