Ngày lễ tình nhân (14/2) vừa qua, người ta nhận ra thị trường quà tặng tại TP. Phan Thiết không dừng ở những sản phẩm truyền thống, mà còn có những bó hoa làm bằng tiền thật với nhiều mệnh giá khác nhau. Theo đó, giá từng bó hoa từ tiền thật này cũng có mức giá khác nhau, từ 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng.
Câu chuyện tặng hoa tươi, hoa sáp, hoa tiền thật… tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau theo cách nhìn, suy nghĩ riêng, khả năng tài chính của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một số người nói rằng: Duy trì mối quan hệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả cách thể hiện tình cảm của 2 phía. Thông qua việc thể hiện tình cảm bằng nhiều cách khác nhau, người trong cuộc mới cảm nhận được nội hàm tình cảm của nhau; quà tặng không hẳn là cái quyết định tình cảm. Điều đáng nói có nhiều ý kiến về chuyện kết hoa bằng tiền trên có nguy cơ vi phạm pháp luật, vì tiền sẽ bị rách khi gỡ ra.
Chị Trần Thị Tố Q., một người bán quà tặng trên đường Trần Hưng Đạo (Phan Thiết) tiết lộ: Để có những tờ tiền kết làm bó hoa, người làm hoa phải tìm chỗ để đổi tiền lẻ và trả phí dịch vụ. Cứ 1 triệu đồng thì phí dịch vụ đổi là 30.000 đồng; còn với tờ mệnh giá 500 đồng thì khó đổi hơn và phí dịch vụ cao hơn. Chuyện làm, bán, tặng hoa bằng tiền thật xuất hiện cách đây 3 năm, bây giờ lại rộ hơn. Các điểm bán quà tặng ngày 14/2, 8/3, 20/10 đều có bán kèm sản phẩm này, thu hút không ít khách hàng, đặc biệt giới trẻ.
Để kết những bó hoa bằng tiền thật, người bán đều dùng băng keo để dán, nguy cơ rách tiền khi lấy ra là chuyện không tránh khỏi. Chị Tố Q. chia sẻ kinh nghiệm: Sử dụng băng keo bằng giấy để dán hoa bằng tiền thì sẽ không bị rách hoặc không làm biến dạng, còn sử dụng băng keo trong và các loại keo dính khác đều bị rách tiền khi gỡ, hoặc chất keo vẫn còn bám lại thì rất khó cho người sử dụng khi kiểm đếm tiền.
Trở lại câu chuyện các điểm bán hoa bằng tiền thật, vấn đề đặt ra người làm, bán hoa bằng tiền thật có vi phạm pháp luật hay không? Chị Nguyễn Thị Năm (Phan Thiết), người bán hoa, cho biết: Tôi không thấy văn bản nào quy định cấm làm, bán hoa bằng tiền thật. Còn việc kết hoa bằng tiền để tránh bị rách, tôi sử dụng keo giấy dán khi tiền được cuốn dạng hình phễu làm cánh hoa, bông hoa. Gỡ keo dán ra, tiền vẫn nguyên trạng như ban đầu, không rách, không biến dạng.
Nếu dùng tiền Việt Nam để làm hoa mà phải sử dụng vật nhọn, chất keo dính tốt trong quá trình làm… thì không tránh khỏi việc tiền Việt Nam bị rách, biến dạng và ảnh hưởng việc lưu thông tiền tệ. Chuyện này chiếu theo các văn bản được đề cập trên, được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tránh nguy cơ vi phạm pháp luật, nhiều người đặt câu hỏi: Đã tặng tiền thật, sao không chuyển khoản hoặc bỏ vào phong bì?
Theo Quyết định số 130 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, tại điều 3 quy định 4 hành vi bị nghiêm cấm. Đó là làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Nếu có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào, thì theo Nghị định 88 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khoản 3 của Điều 31 quy định mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều 31, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.