Người trồng thanh long loay hoay với sản xuất, tiêu thụ

26/04/2022, 05:41

Nông dân trong tỉnh nói chung và người trồng thanh long nói riêng đang đối mặt với tình trạng giá cả nông sản thấp, bấp bênh. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng cao, nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, khiến bà con rơi vào cảnh khó khăn. Lúc này, nông dân loay hoay chuyện sản xuất, tiêu thụ và hướng chuyển đổi cây trồng. Một trong những địa phương đang gặp khó là huyện Bắc Bình.

Khó khăn “2 đầu”

Cùng chung thực trạng với nông dân toàn tỉnh, hiện nay người trồng thanh long trên địa bàn huyện Bắc Bình đang trải qua nhiều khó khăn. Đó là sự bấp bênh đầu ra sản phẩm trái thanh long. Cùng với đó là chi phí đầu vào về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng kỷ lục, khiến nông dân rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Gia đình ông Võ Đình Tâm, nông dân trồng 1.500 trụ thanh long tại thôn Bình Thủy, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) là một trong số nhiều hộ dân như thế. Ông Tâm chia sẻ, đầu tư mấy chục triệu đồng cho 3 pha chong điện vụ nghịch, nhưng khi trái chín trên cành, tôi lại thấp thỏm, “thở oxy” vì không thể biết được giá bán thế nào. Có khi buổi sáng còn có giá 5.000 đồng/kg nhưng buổi chiều lại không ai mua. Chung nỗi lo ấy, bà Trần Thị Kim Oanh - thôn Bình Lưu, xã Phan Rí Thành ngậm ngùi cho biết: “Mấy tấn thanh long thu hoạch vừa rồi không có ai mua, nên gia đình đã chở đi làm từ thiện. Giờ đây, 1.100 trụ thanh long đang tưới nước cầm cự. 5 năm trước đây, mảnh vườn này được chuyển đổi từ ruộng lúa. Nay thanh long mất giá, tôi lại băn khoăn, tính chuyển lại trồng lúa, nhưng việc cải tạo đất đai, định hướng sản xuất cũng là cả vấn đề về vốn đầu tư, thuê nhân công”.

Theo ông Trần Anh Thịnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình: Đến nay tổng diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện hơn 4.000 ha, giảm 595 ha diện tích so với năm 2021. Về chế biến thanh long, trên địa bàn huyện chỉ có 1 cơ sở là Công ty TNHH nước ép Phúc Hà, trụ sở tại thôn Hải Xuân, Hải Ninh. Sản phẩm chủ yếu của công ty là nước ép lên men tự nhiên từ trái thanh long, sản lượng thu mua rất ít, không đáng kể. Ngoài khó khăn chung trong sản xuất, trên địa bàn huyện Bắc Bình hiện nay còn gặp nhiều trở ngại trong việc thu mua, tiêu thụ thanh long. Toàn huyện có 59 cơ sở lớn, nhỏ thu mua thanh long. Các cơ sở thu mua, chế biến sau thu hoạch, xuất khẩu trái thanh long trên địa bàn huyện rất ít (2 cơ sở Tâm Thành và cơ sở Kỳ Duyên) nên việc tiêu thụ không đảm bảo. Sản lượng thanh long trong quý I/2022 của huyện đạt 30.211 tấn. Sản lượng này chủ yếu thông qua các thương lái, sau đó chuyển vào các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết để bán lại, do đó giá thành trái thanh long thường thấp hơn các địa phương khác.

z3366210858651_17190c762930eae36a3e50ad2abb36b0.jpg
Đoàn ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với nông dân Bắc Bình
z3366200791171_294d0f4ff5d91de0ebc03d7d6464504e.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thông- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh gặp gỡ nông dân
z3366213391493_69e8fb72789887ba9a80923cdc4942f2.jpg
Nông dân trồng thanh long và nỗi lo về sản xuất, tiêu thụ.

Cần biện pháp tháo gỡ

Trong tuần qua, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát việc trồng và tiêu thụ trái thanh long trên địa bàn huyện Bắc Bình. Tại buổi khảo sát, đoàn đã thăm hỏi, nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long của một số nông dân, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Trong đó, nhấn mạnh việc trồng, chăm sóc cây thanh long, thực trạng sản xuất... Qua khảo sát, các hộ thanh long đều nêu khó khăn về tình trạng giá cả bấp bênh, giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh đến thực tế diện tích thanh long VietGAP trên địa bàn huyện còn thấp (714,85 ha/4.032 ha). Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh trong sản xuất thanh long vẫn còn nhiều hạn chế... Đồng thời gợi mở, trong bối cảnh khó khăn về sản xuất và tiêu thụ, chúng ta nên tổ chức sản xuất theo các mô hình chuỗi, nhất là việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác. Liên quan đến các khó khăn vướng mắc, chi phí giá thành phân bón tăng cao, đại biểu Yến cho biết, hiện các cấp bộ, Trung ương đang hướng giải pháp phát triển nông nghiệp gắn bảo vệ môi trường. Đó là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Qua đó, vừa góp phần đảm bảo chất lượng nông sản, vừa giảm giá thành đầu tư phân bón. Ngoài ra, nông dân có thể quan tâm xu hướng nông nghiệp sinh thái rất phù hợp với Bình Thuận nói chung và Bắc Bình nói riêng… Địa phương có thể mời các nhà khoa học đến, quan tâm hỗ trợ nghiên cứu về tình trạng thoái hóa chất lượng đất sản xuất nông nghiệp…

UBND huyện Bắc Bình mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm kiến nghị Trung ương có chính sách tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt việc đầu tư chế biến nông sản sau thu hoạch. Thực hiện bình ổn giá thị trường, nhất là giá cả vật tư đầu vào trong sản xuất. Vì thực tế hiện nay giá cả vật tư đầu vào trong sản xuất tăng cao, trong khi đó giá thành sản phẩm nông nghiệp bán ra rất thấp, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của hộ dân sản xuất nông nghiệp, khiến người trồng thanh long phải loay hoay với sản xuất, tiêu thụ.

KIỀU HẰNG

Related articles
Giá phân bón tăng cao: Nông dân trồng thanh long giãn đầu tư, duy trì vườn
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người trồng thanh long loay hoay với sản xuất, tiêu thụ