Nghị quyết 68 - Người lao động mong sớm được hưởng quyền lợi. Bài 2:

08/06/2022, 05:16

Bài 2: Giải pháp để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân

Bài 1: Phan Thiết - Hơn 47.000 hồ sơ vướng thời gian thẩm định

Nghị quyết 68 là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân. Nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phải thực sự cần đến sự hy sinh không vì lợi ích cá nhân, sự tận tâm của những người thực thi. Chỉ khi nào, tất cả người lao động thuộc phạm vi được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được hưởng đầy đủ tất cả những quyền lợi của mình, chỉ khi nào Nghị quyết 68 tạo ra được sự lan tỏa thực sự, đó mới chính là thước đo của thành công.

Chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá: Nghị quyết 68 là một chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn cao. Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và sớm cho chủ trương về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa... trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp; các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đạt kết quả khá tốt. Việc thẩm định đối tượng hỗ trợ đã được các xã, phường, thị trấn triển khai chặt chẽ, có thành lập hội đồng hoặc tổ thẩm định trước khi tổng hợp danh sách, trình phê duyệt; việc chi hỗ trợ cho người lao động ở một số địa phương được thực hiện ngay sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Đến nay, chưa phát hiện, chưa tiếp nhận ý kiến phản ánh có trường hợp tiêu cực hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.

nghi-quyet.jpg
Lao động tự do đang mong chờ tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68.

Để mở rộng đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ, ngày 7/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong ký ban hành Quyết định 341 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2108 quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Theo Quyết định 341 bổ sung đối tượng hỗ trợ như: Thợ xây dựng (thợ hồ, điện, nước, sơn, đóng la-phông, thạch cao, sắt, nhôm, kiếng, đá, mộc), người chạy “xe ôm”. Lao động biển (tự đánh bắt hải sản hoặc làm trong các nghiệp đoàn khai thác hải sản), lao động khác (đóng tàu, đan lưới, gỡ lưới, xẻ, phơi cá, mực). Lao động bóc tách hạt điều, đóng gói thanh long. Lao động bốc vác tại cảng, chợ hoặc trong các nghiệp đoàn bốc xếp…

Ông Trần Sinh Toàn – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nghị quyết 68 vừa được triển khai cho thấy một khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, bởi lẽ đây là chính sách mở của Trung ương đề nghị các địa phương phải hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đã rất khó khăn trong việc cân đối ngân sách để hỗ trợ cho lao động tự do nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã có sự quan tâm rất lớn. Thứ nhất đồng ý tiếp thu ý kiến của người dân là bổ sung các đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và cũng đã kịp thời phân bổ kinh phí phù hợp để hỗ trợ cho người dân. Qua đó thấy rằng việc triển khai hỗ trợ ngoài việc đảm bảo theo quy định của Trung ương thì tỉnh có chính sách riêng của tỉnh để hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do.

Kiến nghị gia hạn thời gian

Theo ông Trần Sinh Toàn – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh tỉnh, mặc dù đã có những nỗ lực để Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hạn chế. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu từ khi bắt đầu triển khai vào tháng 10/2021 đến đầu năm 2022 do việc phải xử lý tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội nên có những địa phương triển khai Nghị quyết 68 chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Có một thực tế là từ khi Nghị quyết 68 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các địa phương tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 còn hạn chế. Việc thông tin, tuyên truyền các chính sách liên quan vẫn chưa được địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả nên còn nhiều lao động, người sử dụng lao động chưa nắm bắt được để lập hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Người dân không biết rõ bản thân thuộc đối tượng nào để đề nghị làm hồ sơ cho phù hợp. Bên cạnh đó, một số địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm, sâu sát chỉ đạo triển khai thực hiện; do đó, có một số xã, phường yêu cầu về thủ tục đề nghị hỗ trợ không theo quy định, không tiếp nhận hồ sơ của người lao động khi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng TP. Phan Thiết phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền đến người dân. Thủ tục hồ sơ ở một số chính sách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khó thực hiện theo quy định nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời. Hiện tại số lượng còn tồn đọng nhiều nhất là TP. Phan Thiết với hơn 47.000 hồ sơ. TP. Phan Thiết có đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xem xét về số lượng hồ sơ này. Sở đã có văn bản phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian tiếp nhận hồ sơ và xử lý cho người lao động.

Mới đây, ngày 1/6, Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành của Trung ương và ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 1321 ngày 17/5/2022 để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ; theo đó, đề nghị Trung ương có ý kiến cụ thể việc giải quyết các hồ sơ hỗ trợ còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đúng quy định. Kết quả báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 10/6/2022.

Có thể nói, Nghị quyết 68 là quyết sách nhân văn của Chính phủ để tiếp sức cho người lao động trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch. Sẽ càng ý nghĩa hơn khi nghị quyết được triển khai hiệu quả, kịp thời, tiền hỗ trợ đến tay người thụ hưởng đang gặp khó khăn. Qua đó, giúp người lao động giảm thiểu những tác động tiêu cực, sớm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch được kiểm soát.

THU HÀ

Related articles
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Về dự thảo Quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Vận dụng tối đa chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai thực hiện các công trình, dự án, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, tạo sự đồng thuận, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện xảy ra trong nhân dân...

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (27/12)
Ẩm thực góp phần nâng tầm du lịch; Về quê đón tết; Nhạc Noel và Réveillon; Cảm nhận về “Ươm vào đất chút hương”; Bình Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con; Hội đồng hương Quảng Ngãi - Gia An: 15 năm miệt mài đóng góp cho cộng đồng; Kiểm soát giao thông qua thiết bị thông minh… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 27/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị quyết 68 - Người lao động mong sớm được hưởng quyền lợi. Bài 2: