Tin “nóng” từ đất liền
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam. Từ đó Buôn Ma Thuột, hàng loạt các tỉnh Tây Nguyên đến vùng duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ cũng lần lượt được giải phóng.

Tại chiến trường Khu VI, ngày 16/4/1975, quân giải phóng đập tan “lá chắn” phòng ngự của quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) tại Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Trong thế tiến công như chẻ tre của các binh đoàn chủ lực, quân ta tiến vào Bình Thuận, giải phóng lần lượt các huyện Tuy Phong (17/4), Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh (18/4). Đúng 20 giờ ngày 18/4, ta tấn công vào Phan Thiết; đến 9 giờ sáng hôm sau, Ủy ban quân quản tiến vào Phan Thiết. Lúc 13 giờ cùng ngày toàn bộ tỉnh Bình Thuận được giải phóng (trừ Cù Lao Thu). Trong khí thế toàn thắng đó, quân ta tiến công giải phóng Hàm Tân (tỉnh Bình Tuy cũ) vào ngày 23/4. Mặc dù nằm giữa trùng khơi, cách xa đất liền nhưng những tin tức sôi động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 liên tiếp được truyền ra tới đảo. Nhân dân Phú Quý càng nóng lòng hơn khi hay tin toàn tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng.
Trong bối cảnh ấy, ngày 22/4, ông Trần Nghĩa cùng với một số thanh niên ở Long Hải đã đứng lên tước vũ khí của quân đội và lực lượng phòng vệ dân sự để giành chính quyền. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, cuộc nổi dậy đã bị dập tắt; cha con ông Trần Nghĩa và một số thanh niên đã bị bắn hy sinh ngay tại chỗ. Tuy nhiên, trước đó đội của ông Nghĩa cũng đã kịp mang lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra cắm trên mỏm đá cao, làm nức lòng người dân trên đảo.

Phối hợp tiến công giải phóng Cù Lao Thu
Theo Bộ Tư lệnh Hải quân, cùng với nhiệm vụ tổ chức lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa, ngày 23/4, đồng chí Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương được đồng chí Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy lực lượng giải phóng Cù Lao Thu.
Cù Lao Thu rộng 21 km², với dân số khoảng 12.000 người, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Trên đảo lúc bấy giờ có “1 liên đội “nghĩa quân”, 1 trung đội cảnh sát ngụy, gần 4.000 dân vệ và có khoảng 800 lính ngụy chạy trốn ra đảo sau khi thị trấn Hàm Tân bị thất thủ”. Không những thế, từ ngày 22/4, thường xuyên có 2 tàu chiến (HQ11 và WPB) của hải quân VNCH tiến ra bảo vệ ở khu vực đảo này. Như vậy, đến cuối tháng 3/1975, về phía lực lượng của VNCH trên đảo chiếm khoảng 50% dân số ở đây.
Sau khi Phan Thiết được giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu VI, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị cho việc giải phóng Phú Quý. Trong đó, huyện Tuy Phong được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ lịch sử này. Chiều ngày 24/4, Huyện ủy Tuy Phong thành lập Đoàn quân dân chính gồm 20 người, do đồng chí Nguyễn Thanh Tâm – Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn. Đồng thời, Tỉnh ủy Bình Thuận còn cử các đồng chí Đào Công Trợ, Phạm Quỳnh Châu, Nguyễn Hữu Lai, Nguyễn Trường Phước, Nguyễn Huệ Oanh và Ngô Sáu cùng tham gia. Sau bổ sung thêm 1 tiểu đội thuộc Đại đội 490 huyện Tuy Phong cùng tham gia đoàn quân giải phóng Cù Lao Thu. Phối với Bình Thuận, Bộ Tư lệnh Hải quân cử tàu 643 (Đoàn 125) do Thượng úy Võ Hán làm Thuyền trưởng và một số thuyền đánh cá chở 1 bộ phận lực lượng của hải quân, 1 phân đội đặc công nước của Tiểu đoàn 407 (Quân khu 5), Đại đội 3 bộ binh (thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 3, Quân khu 5) dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Nguyễn Thế Trinh, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Hải quân.
Sau khi thống nhất phương án quân sự, chính trị và hậu cần một cách chặt chẽ, sáng 26/4, lực lượng chiến đấu của Bộ Tư lệnh Hải quân rời quân cảng Cam Ranh (Nha Trang), đến đêm tới vị trí tập kết. Khoảng 1 giờ sáng ngày 27/4, các tàu đánh cá T2, T3 chở lực lượng của mũi 1, mũi 2 đến vị trí tập kết an toàn. Đến 1 giờ 50 phút thì bí mật tiến vào áp sát đảo. Tại Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận), vào lúc 18 giờ ngày 26/4, đoàn quân giải phóng của Bình Thuận cũng bắt đầu rẽ sóng trực chỉ Cù Lao Thu. Đến 3 giờ sáng 27/4, đoàn đã tiếp cận được đảo.
Theo phương án tác chiến đã vạch, quân ta tổ chức thành 4 mũi tiến công để đánh vào 3 xã (Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải) và Nha hành chính. Lúc 5 giờ 15 phút, lực lượng trên các mũi đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ và sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng nên quân đội và chính quyền VNCH trên đảo tháo chạy tán loạn. Trong khi đó, binh lính trong khu nhà hành chính dựa vào hệ thống lô cốt tiếp tục nổ súng kháng cự lại rất quyết liệt. Đến 6 giờ 30 phút, ngày 27/4, quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Cù Lao Thu. Trên biển, tàu 643 Hải quân nhân dân Việt Nam cũng chiến đấu quyết liệt với tàu HQ11 và WPB bằng súng chống tăng B40, B41 và súng phòng không 12,7 ly. Kết quả, chiếc WPB bị hỏng nặng, chiếc còn lại không dám vào gần, chỉ lảng vảng ngoài xa, bắn cầm chừng chờ chi viện. Đến chiều cùng ngày đã rút chạy khỏi đảo.

Cùng cả nước đi lên
Với chiến thắng trên Cù Lao Thu, quân ta tiêu diệt và bắt sống 382 tù binh, thu 900 súng các loại, bắn bị thương 1 chiếc tàu, 1 chiếc xuồng máy, thu 2 máy vô tuyến điện và nhiều đồ dùng quân sự. Sau khi giải phóng, lực lượng giải phóng đảo đã bàn giao cho lực lượng của Quân khu VI đóng giữ bảo vệ theo sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Trận đánh trên đảo Phú Quý diễn ra đúng ý đồ tác chiến của quân ta, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ đã giải quyết dứt điểm mục tiêu đề ra. Từ đây, hải đảo và đất liền đã được nối thành một dải. Tuy là vùng đất cuối cùng được giải phóng, xong chiến thắng ngày 27/4/1975 trên đảo Phú Quý có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân tỉnh Bình Thuận, của Khu VI để làm nên thành công chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 lịch sử của dân tộc ta.
Sau 50 năm giải phóng (27/4/1975 - 27/4/2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự quan tâm của tỉnh, Trung ương và sự đồng lòng của toàn dân, huyện đảo Phú Quý đã có bước phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng , có ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững tạo môi trường an toàn, thuận lợi, thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.