Nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai mùa mưa

06/06/2023, 02:42

Vào thời điểm giao mùa, liên tiếp những ngày qua trên địa bàn tỉnh xảy ra những cơn mưa lớn, dông sét, kèm lốc xoáy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, nhất là hư hại về nhà cửa, cây trồng của nhân dân. Tuy nhiên, không ít người dân còn chủ quan, dẫn đến thiệt hại về người, tốc mái nhà dân…

Liên tiếp xảy ra mưa lớn, lốc xoáy

Có thể nhắc đến, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai thời gian gần đây là huyện Đức Linh. Chỉ tính trong tháng 4 và 5/2023, liên tiếp các cơn mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh đã gây thiệt hại không nhỏ về cây trồng của người dân. Đơn cử, vào ngày 24/4 tại các xã Tân Hà, Trà Tân, Đông Hà xảy ra mưa đá kèm theo dông, lốc xoáy, khiến hàng chục căn nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, thiệt hại trên 850 triệu đồng. Chỉ ít ngày sau, vào chiều 30/4, mưa lớn kèm theo gió lốc giật mạnh xảy ra tại một số xã trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất với giá trị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

z4405188949324_c9ff0ce1a5d5f88f9b2ab6cded9e1881-1-.jpg
Mưa lớn gây ngập úng lúa hè thu tại huyện Tánh Linh.

Đặc biệt vào ngày 7/5, mưa lớn, dông, sét kèm theo gió lốc giật mạnh xảy ra trên địa bàn xã Đa Kai, xã Sùng Nhơn và thị trấn Đức Tài. Trong đó, tại thôn 10 xã Đa Kai bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất. Lốc xoáy gây đổ ngã, gãy hơn 800 cây sầu riêng tại thôn 10, xã Đa Kai… Ước thiệt hại về sản lượng sầu riêng khoảng 1.000 tấn, tổng giá trị thiệt hại trên 62 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các địa phương như Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thời gian gần đây những cơn mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ hàng trăm ha lúa hè thu của nhân dân, thiệt hại hàng trăm triệu đồng…

Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua Ban Chỉ huy các cấp đã chuẩn bị tốt các trang thiết bị, vật tư, kinh phí, lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cán bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các cấp từ tỉnh đến xã là kiêm nhiệm, không chuyên trách, còn thiếu và yếu cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Mặt khác, mặc dù được tập huấn, hướng dẫn một số kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra như cách chằng, chống, đè mái nhà tránh tốc mái, kỹ năng ứng phó, đề phòng dông, lốc xoáy, sét đánh vào đầu mùa mưa. Tuy nhiên, không ít người dân còn rất chủ quan, dẫn đến thiệt hại về người, tốc mái nhà vẫn nặng nề…

z4401307393750_d239932f70591c035642da28a4db0a2c.jpg
Lốc xoáy gây thiệt hại tài sản của dân.

Rà soát các vùng trọng điểm, xung yếu

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2023 cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới khoảng 11-13 cơn. Chính vì vậy, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống thiên tai và TKCN trong tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã yêu cầu các địa phương cần bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhất là lực lượng xung kích cấp xã. Kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở cát tràn, sạt lở bờ biển, vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng, vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó sự cố, phương án di dời dân hợp lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chú ý tuyên truyền hướng dẫn một số kỹ năng ứng phó các thiên tai thường xảy ra để chằng chống đè mái, kỹ năng đề phòng, ứng phó dông lốc, xoáy, sét đánh.

Khẩn trương rà soát các hệ thống ao hồ và các khu vực ven biển trên địa bàn có nguy cơ xảy ra đuối nước để khắc phục kịp thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm đề phòng đuối nước cho người dân, du khách, nhất là học sinh trong dịp hè. Các địa phương ven biển chủ động rà soát phương án sắp xếp, bố trí neo đậu tàu thuyền và lồng bè phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố…

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, năm 2022 thiên tai, sự cố đã làm 63 người chết, 23 người mất tích (tăng 11 người chết so năm 2021); khoảng 222 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 4.480 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; tàu thuyền bị chìm, hư hỏng 44 chiếc... Tổng thiệt hại toàn tỉnh trong năm 2022 trên 33 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn, sự cố trên biển, làm 12 người mất tích/13 phương tiện gặp tai nạn, sự cố.

KIỀU HẰNG

Related articles
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai
Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng CAND năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận có sự tham dự của Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đại diện các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai mùa mưa