Đảm bảo quyền lợi của nhân dân qua giám sát
Xác định vai trò giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam để góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, trên cơ sở các nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch về giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Đồng thời, thông báo về việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong năm. Trong năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025) tại UBND huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Ban Dân tộc tỉnh. Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, Trung ương tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững…
Đối với cấp huyện, trên cơ sở nội dung định hướng chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp, MTTQ Việt Nam 10/10 huyện, thị xã, thành phố được cấp ủy cùng cấp phê duyệt 23 nội dung giám sát trong năm 2024. Đến nay đã tiến hành giám sát 23/23 nội dung, kiến nghị 82 vấn đề đến cấp ủy và UBND cấp huyện, phòng ban có liên quan để giải quyết. Riêng cấp xã, đã đăng ký và được cấp ủy cùng cấp phê duyệt 165 nội dung cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nội dung tập trung vào những vấn đề như giám sát việc tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận 1 cửa, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch UBND cùng cấp và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Kết quả, đến nay MTTQ cấp xã đã tiến hành giám sát 148/165 nội dung, kiến nghị 196 vấn đề đến các cơ quan chức năng giải quyết.
Phản biện vấn đề nhân dân quan tâm
Về công tác phản biện xã hội, trong năm 2024, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức thực hiện 2/2 nội dung phản biện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Đó là phản biện xã hội Đề án “Sắp xếp, bố trí, thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố; người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định chế độ trợ cấp thôi giữ chức vụ, thôi việc theo nguyện vọng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức phản biện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm sửa đổi, các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan và các văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Có nhiều ý kiến, kiến nghị chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị soạn thảo để thực hiện tiếp thu, giải trình, phản hồi đảm bảo theo quy định.
Đối với cấp huyện, MTTQ Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 10/10 nội dung phản biện, được cấp ủy cùng cấp phê duyệt. MTTQ Việt Nam cấp xã đã tổ chức 18 hội nghị phản biện. Nhìn chung, các dự án Luật, đề án được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm.
Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục tổ chức giám sát, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giám sát, tái giám sát Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các Dự án khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025)...