Một năm Taliban kiểm soát Afghanistan: Tương lai mịt mù ở phía trước

15/08/2022, 10:25

Đã tròn 1 năm kể từ khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan nhưng tương lai của quốc gia Nam Á này vẫn vô cùng mịt mờ.

Hôm nay (15/8) tròn một năm ngày lực lượng Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ chính quyền thân Mỹ. Sau khi lên nắm quyền, Taliban đã cam kết sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới, để được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Vậy một năm sau khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, Taliban liệu đã thực hiện những cam kết này? Afghanistan đang đi về đâu? Sau thất bại và rút lui hoàn toàn khỏi Afghanistan, Mỹ liệu có còn ảnh hưởng ở Afghanistan và Nam Á?

Người dân Afghanistan đã và đang phải trải qua những gì trong 1 năm qua?

Đã 365 ngày trôi qua kể từ khi các lực lượng Mỹ và đồng minh rút đi trong hỗn loạn khỏi đất nước Afghanistan. Chính quyền thân phương Tây tại nước này kháng cự yếu ớt và tan rã rất nhanh. Và kết quả là lực lượng Taliban lên nắm quyền một cách dễ dàng vào đúng ngày 15/8/2021. Trong 1 năm đó, những gì mà người dân Afghanistan đã phải trải qua là đi từ chỗ xấu cho tới tồi tệ, cả về an ninh và sinh kế, cả về mặt quản trị nhà nước cho tới việc đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em gái, của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Trước tiên là một thảm họa nhân đạo đang trực chờ đất nước Afghanistan ở phía trước. Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong 2 năm qua khiến cho sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), 18,9 triệu người Afghanistan, bao gồm 9,2 triệu trẻ em có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp hoặc nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 6 -11/2022.

Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo đói mỗi ngày. Hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi Afghanistan hiện đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khẩn cấp như Covid-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết bùng phát cùng lúc.

Quốc gia này hiện có số người trong tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp cao nhất thế giới, với hơn 23 triệu người cần hỗ trợ và khoảng 95% dân số không đủ ăn mỗi ngày. Hai vụ động đất trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua càng khiến cho điều kiện nhân đạo tại nhiều khu vực ở Afghanistan xuống dốc. Điều trớ trêu là chính quyền Taliban lại không thể sử dụng các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương nước này gửi ở nước ngoài cho tình huống khẩn cấp hiện nay.

Sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỷ USD này. Ngoài ra, các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đã đình chỉ, tạm dừng nhiều khoản vay, khoản viện trợ cho Afghanistan cho tới khi nào Taliban thực hiện các cam kết của mình với người dân nước này.

Ngoài tình hình nhân đạo ngày một tồi tệ, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, cùng các nhóm sắc tộc thiểu số đang ngày một xấu đi. Một năm qua, Taliban nhiều lần thất hứa với người dân Afghanistan xung quanh câu chuyện mở cửa trường học cho nữ sinh. Phụ nữ Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền thứ 2 của Taliban ngày càng bị hạn chế nhiều hơn về các quyền cơ bản. Đây chính là những thực tế khắc nghiệt mà người dân Afghanistan đang phải trải qua kể từ khi Taliban trở lại cầm quyền.

Taliban thực hiện cam kết ra sao và nhìn nhận của người dân Afghanistan

Khi trở lại nắm quyền ở Kabul cách đây 1 năm, Taliban đã khẳng định rằng phiên bản 2.0 của mình sẽ khác xa với những gì mà họ đã từng là cách đây 20 năm, trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên từ năm 1996 đến tháng 10/2001. Và 1 năm sau trở lại, mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn về mọi mặt. Trước tiên là lời cam kết đảm bảo an ninh của Taliban. Trong 1 năm qua, số vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan vẫn không có chiều hướng giảm dù Taliban lên nắm quyền với tuyên bố không để Afghanistan trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố để gây hại cho các nước láng giềng. Taliban cũng đã hứa mang lại một nền pháp quyền cho Afghanistan.

Nhưng cuối cùng, điều mà thế giới quan sát được là quốc gia này đang trở thành nơi tập hợp và tranh chấp của các nhóm khủng bố. Người ta vẫn thấy tổ chức khủng bố Haqqani, một nhánh của Taliban hoạt động ở đây. Bên cạnh đó là IS Khorasan, một chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đang gia tăng hoạt động phá hoại. Giới phân tích cho rằng, Taliban đã thất bại cả trong điều hành đất nước lẫn đảm bảo an ninh bởi họ đã thất bại trong quá trình chuyển đổi từ lực lượng quân sự trở thành một chính phủ với đầy đủ ý nghĩa. Và họ cũng thất bại trong quá trình tách mình ra khỏi mạng lưới khủng bố toàn cầu, điều đã đưa họ tới vị thế hiện nay.

Một cam kết khác của Taliban khi trở lại Kabul là chế độ hiện nay sẽ không khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái, cũng như các nhóm thiểu số như người Shiite, người Hazara. Thế nhưng, điều ngược lại đang hiển hiện khi phụ nữ bị hạn chế đi làm hay xuất hiện nơi công cộng. Trẻ em gái phải học riêng, thậm chí các trường từ lớp 6 cho học sinh nữ vẫn chưa được mở cửa trở lại. Dường như, Taliban đang mắc kẹt trong sự mâu thuẫn về hệ giá trị. Có những quan điểm trong chính lực lượng này muốn thực thi chính sách cởi mở hơn. Thế nhưng, bản chất thực sự của Taliban vẫn là chế độ Hồi giáo hà khắc và cực đoan.

Hang ổ khủng bố và thách thức đối với Mỹ

Vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 31/7 tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda Ayman al-Zawahihi đã phơi bày một sự thật rằng, Taliban chỉ có những lời hứa suông. Khi ký kết với Mỹ bản thỏa thuận hòa bình tại Qatar hồi tháng 2/2020, Taliban cam kết sẽ không để lãnh thổ Afghanisan là nơi chứa chấp khủng bố. Đây là điều kiện để Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ nước này. Trong các tuyên bố của mình 1 năm qua, Taliban luôn nhắc lại điều này và đòi hỏi sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Vậy nhưng sau vụ không kích này, sự thật đã được phơi bày. Al-Zawahiri, thủ lĩnh của al-Qaeda, một trong những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất thế giới lại đang cư trú ở giữa vùng Xanh ở thủ đô Kabul. Điều này cho thấy 2 khả năng. Hoặc Taliban không đủ năng lực để đảm bảo an ninh cho đất nước, hoặc họ đang làm ngơ để các tổ chức khủng bố được gây dựng hoạt động và tổ chức ngay trên đất Afghanistan.

Với việc Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan và coi như không đặt quá nhiều ưu tiên vào cuộc chiến chống khủng bố, rất có thể Afghanistan dưới thời của Taliban sẽ lại là ‘miền đất hứa’ cho các nhóm cực đoan. Dĩ nhiên, các tổ chức khủng bố quốc tế sau nhiều năm bị truy quét và siết chặt vòng kiểm soát cũng không thể có đủ nguồn lực nhằm gây ra các âm mưu lớn trên thế giới nữa. Nhưng đây sẽ vẫn là nguy cơ không thể bỏ qua./.

VOV.VN

Related articles
Pháp: Sơ tán 10.000 người dân vì cháy rừng lớn
Lực lượng phòng cháy chữa cháy Pháp cho biết, cháy rừng lớn ở gần Bordeaux, thành phố nổi tiếng nhất nước Pháp, cũng là thủ phủ rượu vang của thế giới, buộc phải sơ tán 10.000 người.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một năm Taliban kiểm soát Afghanistan: Tương lai mịt mù ở phía trước