Một năm 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới tràn qua

29/12/2017, 07:54

BT- Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2017, cả nước vẫn phập phồng lo âu chờ cơn bão hiếm, muộn Tembin hướng vào Nam bộ - nơi rất hiếm khi có bão và người dân cũng có rất ít kỹ năng chống bão.

Ảnh minh họa

Một năm thiên tai đột biến, không theo quy luật nào, với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) (gấp đôi bình quân mọi năm), dường như muốn thử thách sức chịu đựng của nhân dân Việt Nam. Thiên tai dồn dập từ đầu năm cho tới cuối năm, khắp các vùng miền cả nước, đủ các loại hình: bão, ATNĐ, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, bờ biển…

Tính đến thời điểm này, thiên tai đã làm 365 người thiệt mạng và mất tích, 645 người bị thương, hơn 560.000 căn nhà bị sập, nhiều đường sá, cầu cống, cây cối, hoa màu bị cuốn trôi, thiệt hại 60.000 tỷ đồng.

Thiên tai đột biến kết hợp với “nhân tai” nên hậu quả thêm khủng khiếp. Đó là nạn phá rừng, thu hẹp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng nguyên sinh, phát triển ồ ạt công trình thủy điện, xây dựng hồ chứa, khai thác cát bừa bãi… làm gia tăng lũ lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển.

Dự báo: tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ làm cường độ thiên tai gia tăng, tần suất lớn hơn, dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan, đột biến, trái quy luật. Trong đó Việt Nam là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu.

Ở Bình Thuận, những ngày cuối năm này nhiều khu vực đang bị biển xâm thực dữ dội. Gió mạnh, sóng lớn, kết hợp triều cường dâng cao nuốt chửng nhiều căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác. Hàng ngàn mét bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, biển ăn sâu vào đất liền. Nhân dân ra sức dùng bao cát, cọc gỗ làm kè tạm bảo vệ nhà cửa. Nhưng trước thiên nhiên con người thật nhỏ bé, bất lực, chỉ sau một đêm sóng gió đã cuốn phăng tất cả ra biển. Không chỉ khu dân cư, nhiều cơ sở du lịch ở Mũi Né cũng bị biển xâm thực dữ dội.

Dự báo những ngày tới tình hình sạt lở bờ biển còn nghiêm trọng hơn, chính quyền đang khẩn trương hỗ trợ kinh phí, bố trí đất tái định cư, giúp dân di dời, để ổn định cuộc sống và có một mái nhà đón tết. Cần một nguồn kinh phí rất lớn xây dựng đê kè biển kiên cố, giữ những khu dân cư, khu du lịch không bị cuốn ra biển và Bình Thuận vẫn đang tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

Một năm 20 cơn bão và ATNĐ tràn qua để lại nhiều bài học xót xa cho cả người dân và chính quyền. Bài học đầu tiên là chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chính quyền và nhân dân, thì mới hạn chế tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Bài học lâu dài là bất kỳ hoạt động KT-XH ở quy mô cấp độ nào cũng phải coi đối phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là một nội dung cốt lõi, để có giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Khôi Nguyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một năm 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới tràn qua