Mở rộng thư viện để phát triển “văn hóa đọc” trong cộng đồng

20/02/2024, 05:50

Từ khi thành lập (tháng t4/1992) đến nay Thư viện tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển, thu hút đông đảo người đọc. Thư viện đã đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí; phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa.

Hiện nay, Thư viện tỉnh có 5 phòng chức năng; hệ thống phục vụ người đọc được tổ chức với nhiều loại hình và nhiều đối tượng, như: Đọc tại chỗ, mượn về nhà, phòng đọc báo - tạp chí, phòng đọc thiếu nhi, tra cứu và khai thác tài liệu số qua mạng… Công nghệ thông tin được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, số hóa tài liệu, tăng cường nguồn lực thông tin, mở rộng diện phục vụ người đọc ra bên ngoài thư viện. Từ vốn sách ban đầu chỉ có 11.472 bản sách do Thư viện tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ, đến nay vốn sách và các tài liệu khác tăng lên 314.000 bản bao gồm đầy đủ các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, trong đó gần 2.000 tài liệu địa chí; 7.015 bản sách ngoại văn; trên 28.000 tài liệu số hóa. Thư viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp: Quản lý sách, báo và quản lý người đọc; triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử, lập website, tổ chức các dịch vụ tra cứu và khai thác thông tin trong và ngoài thư viện. Các loại tài liệu từng bước được số hóa làm đa dạng thêm nguồn lực thông tin, tiến tới xây dựng thư viện số song song với thư viện truyền thống. Do vậy, người đọc ở mọi nơi, mọi lúc đều có thể tra cứu thông tin và khai thác tài liệu số của Thư viện thông qua mạng internet. Số người đến đăng ký thẻ từ 2.000 đến 2.500 người/năm, mỗi năm tăng từ 10-15%, trong đó sinh viên, học sinh chiếm tỷ lệ 70-80%. Số lượt người đến thư viện đọc sách và sử dụng các dịch vụ tìm kiếm và khai thác thông tin của thư viện hơn 2 triệu lượt người/năm.

picture1.jpg
Hạng mục thư viện tỉnh xây mới từ vốn xổ số kiến thiết.

Với lượng độc giả ngày càng tăng và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để khai thác tài liệu của độc giả rất lớn nên với cơ sở vật chất hiện hữu không thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và hoạt động của thư viện. Vì thế, năm 2020 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Thư viện Bình Thuận. Dự án có quy mô đầu tư gồm các hạng mục: Xây mới thư viện (1 tầng trệt, 6 tầng lầu) với diện tích xây dựng 555,57 m2; xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện và thiết bị khác. Dự án mở rộng Thư viện có tổng mức đầu tư 29.480 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Tháng 6/2023 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Cuối năm 2023 Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phê duyệt dự án sửa chữa dãy nhà cũ Thư viện tỉnh với tổng mức đầu tư 6.125,96 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Quy mô đầu tư gồm: Sửa chữa nhà thư viện hiện trạng (1 trệt, 2 lầu) và các hạng mục phụ trợ như: Cải tạo cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà xe 4 bánh, sân đường - cây xanh. Dự kiến đến tháng 4/2024 công trình sửa chữa sẽ hoàn thành.

Việc đầu tư xây dựng mới và sửa chữa thư viện hiện hữu nhằm mở rộng quy mô tương xứng với thư viện hạng III (theo Quyết định số 576/QĐ-UBND), đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin của độc giả, nâng cao dân trí và phát triển mạnh “văn hóa đọc” trong cộng đồng.

N.H

Related articles
Cấp cứu tai nạn giảm vào dịp nghỉ tết
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện những ngày nghỉ tết cũng được đảm bảo.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng thư viện để phát triển “văn hóa đọc” trong cộng đồng