Giảm chi phí
Sở Y tế Bình Thuận công bố 15 phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh được liên thông kết quả xét nghiệm vào cuối tháng 12/2022. Trong đó, 14/15 phòng xét nghiệm của bệnh viện, trung tâm y tế được đánh giá chất lượng đạt mức 2. Riêng Bệnh viện đa khoa An Phước được đánh giá chất lượng đạt mức 4 (mức cao nhất trong tỉnh) và đạt ISO 15189:2012. Việc liên thông (công nhận) kết quả xét nghiệm lẫn nhau là để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm; ít nhiều cũng góp phần ngăn ngừa việc lạm dụng xét nghiệm. Điều này mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân và thân nhân người bệnh trong tỉnh bởi giảm tốn kém, giảm thời gian chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Phan Ngọc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước chia sẻ: Khi phòng xét nghiệm đạt ở mức 4 theo tiêu chí của Quyết định 2429 của Bộ Y tế, đạt ISO 15189:2012, chất lượng xét nghiệm cũng như nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật của phòng xét nghiệm được đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy cao. Từ đó giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh đạt hiệu quả, tạo được niềm tin cho bệnh nhân.
Theo Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế, để liên thông kết quả xét nghiệm, các phòng xét nghiệm phải thực hiện tốt các tiêu chí theo Quyết định 2429 của Bộ Y tế. Nội dung đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm theo bộ tiêu chí này có 169 tiêu chí về tổ chức quản lý, nhân sự, trang thiết bị, vật tư hóa chất, đánh giá nội bộ, quản lý khách hàng, cập nhật thông tin… mà không phải phòng xét nghiệm nào cũng đáp ứng được ngay mà là một quá trình đầu tư.
Nhưng liên thông cùng mức
Tại Quyết định 3148 của Bộ Y tế, các phòng xét nghiệm đã được đánh giá, công bố đạt chất lượng từ mức 1 trở lên theo quy định tại Quyết định số 2429 của Bộ Y tế, thì công nhận kết quả lẫn nhau giữa các phòng xét nghiệm đạt cùng mức chất lượng; phòng xét nghiệm đạt mức chất lượng thấp công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn. Bác sĩ lâm sàng là người quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông công nhận hay cần thiết chỉ định xét nghiệm lại tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, phần lớn các phòng xét nghiệm đạt mức 2 là do các tiêu chí về thực hiện ghi chép, xây dựng quy trình chuẩn chưa đầy đủ; nếu có thì chưa cập nhật, kiểm soát chặt. Thêm vào đó, có đơn vị không đủ kinh phí mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao hoặc đổi mới trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm…
Bác sĩ Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Bình Thuận) giải thích: Phòng xét nghiệm của các đơn vị không đạt ở một số tiêu chí 3 sao trong bộ tiêu chí đánh giá, nên phần lớn chỉ đạt chất lượng ở mức 2. Thông qua việc kiểm tra đánh giá vừa qua, các đơn vị xem xét lại những tiêu chí nào cần khắc phục được sớm thì thực hiện ngay, thì phòng xét nghiệm của các đơn vị sẽ nâng mức, đạt chất lượng mức 3 nằm trong tầm tay của các đơn vị trong thời gian tới.
Theo đó, sở phối hợp Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) tập huấn cán bộ chuyên trách của các phòng xét nghiệm, vào cuối tháng 6/2023, về chuyên đề “quản lý chất lượng xét nghiệm theo tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm” nhằm đạt lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2020 liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố; năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc).
15 phòng xét nghiệm được liên thông kết quả xét nghiệm
Đó là phòng xét nghiệm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, Bệnh viện đa khoa khu vực Phía Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, Trung tâm Y tế Hàm Tân, Trung tâm Y tế Tánh Linh, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, Trung tâm Y tế Tuy Phong, Trung tâm Y tế Phan Thiết, Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc và Bệnh viện đa khoa An Phước.