Lần đầu về thăm Đất Tổ

21/04/2022, 21:18

Đã là người con của đất Việt, ai cũng mong một lần được về đất Tổ, được dâng lên nén hương để tưởng nhớ tổ tiên đã khai sinh dòng giống Lạc Hồng. Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi may mắn được về thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Lần đầu được đến với nơi này, lòng tôi dường như lắng lại, dâng trào một cảm xúc thiêng liêng khó tả.

Qua tìm hiểu tôi được biết: Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng thuộc xã Hy Cương, cách trung tâm thành phố Việt Trì (Phú Thọ) khoảng 7km. Đây là nơi thờ cúng các vua Hùng và những nhân chứng lịch sử. Quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm các công trình như Đền Hạ, Đến Trung, Đền Thượng, Lăng Vua Hùng, Chùa Thiều Quang, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Cột đá thề…

z3357973568785_88b68a601ad5b90a6478892da6474c8c.jpg

Hôm chúng tôi đến, trời Hy Cương đổ mưa. Thế nhưng, như hiểu được lòng người từ nơi phương xa trở về với cội nguồn nên cơn mưa rất nhỏ, xoa dịu đi tiết trời oi bức. Sau khi chụp vài tấm ảnh lưu niệm tại cổng vào, chúng tôi đã tiến về Đền Hạ. Gần 300 bậc thang uốn lượn theo những hàng cây xanh được chúng tôi chinh phục trong phút chốc. Người bạn ở Phú Thọ đi cùng cho biết: Những năm về trước, lượng khách đổ về Đền Hùng rất đông, đặc biệt vào dịp lễ Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 thì dòng người càng tấp nập, chen chân không lọt. Thế nhưng 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên khu di tích có phần vắng vẻ. Tuy nhiên, từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát đến nay thì dòng người từ các nơi trở về ngày càng nhiều hơn.

Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII). Tương truyền rằng nơi đây, mẹ Âu cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Cũng tại Đền Hạ, chúng tôi được chiêm ngưỡng cây thiên tuế cao lớn trước cửa chùa. Đây là một trong những cây có tuổi đời lớn nhất trong khu di tích với 800 năm tuổi. Theo ghi chép lịch sử, tháng 9/1954 sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng. Người đã ngồi dưới bóng cây này và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Câu nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” của Bác đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Sau khi dâng hương tại Đền Hạ, chúng tôi tiếp tục leo thêm khoảng 200 bậc đá thì đến Đền Trung. Ngôi đền này có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung. Đền Trung thờ thần Núi, thờ 18 đời Vua Hùng và 2 bà công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng thứ 18. Tương truyền, nơi đây Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng du ngoạn ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Vào đời Hùng Vương thứ 6, đã mở cuộc thi để chọn người hiền, tài và Lang Liêu – người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh trưng, bánh giầy đã được Vua Hùng nhường ngôi và trở thành Hùng Vương thứ 7.

Từ Đền Trung, chúng tôi tiếp tục leo thêm 100 bậc đá nữa là tới Đền Thượng (Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Trên đường đi, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Nghi (quê ở Hà Nội) đang đứng nghỉ chân xen đường. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết ông đã 76 tuổi, cái tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn kiên trì vượt qua cả trăm bậc đá đến thắp hương các điện thờ trong khu di tích mà không bỏ qua chỗ nào với lòng thành kính, tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên, tự hào về cội nguồn dân tộc. Vừa dìu ông đi, vừa trò chuyện cùng ông, tôi chợt nghĩ đến câu ca dao: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn…”

Chúng tôi đến Đền Thượng, xin phép chụp ông 1 kiểu ảnh và chia tay ông tại đây. Đền Thượng là nơi Vua Hùng các các Lạc Hầu, Lạc Tướng làm lễ cúng tế trời – đất để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Và cũng tại nơi đây, hằng năm vào các ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương cùng đoàn đại biểu thay mặt cho đồng bào cả nước trang trọng và thành kính tổ chức nghi lễ dâng hương tri ân, công đức Tổ tiên tại Đền Thượng và cầu mong anh linh tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.

Các đồng nghiệp ở Phú Thọ đã chuẩn bị chu đáo lễ vật, chúng tôi theo sự hướng dẫn và làm lễ dâng hương. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, chúng tôi mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ nhưng có lẽ ai cầu mong các Vua Hùng sẽ phù hộ cho đất nước luôn hoà bình, thịnh vượng, mỗi một gia đình ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi di chuyển vòng xuống 44 bậc thang để đến với Đền Giếng. Nơi đây là nơi 2 bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng Vương thứ 18 thường đến đây soi gương, chải tóc. Để tưởng nhớ công đức của 2 công chúa quan tâm giúp dân trồng lúa nước, nhân dân xây dựng Đền để tưởng nhớ.

Do không có nhiều thời gian để chúng tôi có thể tham quan hết các di tích trong quần thể di tích Đền Hùng nên đành hẹn lại vào một ngày gần nhất được quay trở lại mảnh đất linh thiêng này.

Bao đời nay, Đền Hùng là điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, và cũng chính là điểm hội tụ tinh thần đoàn kết của tất cả các dân tộc anh em trong cả nước. Những nén nhang được thắp lên chính là sự tri ân công đức tổ tiên nhưng đó cũng là niềm vui, là sự vinh hạnh mà không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là những người ở miền Nam xa xôi như chúng tôi. Lần đầu đến với Phú Thọ, lần đầu đến với đền Hùng nhưng mỗi chúng tôi như được trở về nhà của chính mình, nơi cội nguồn dân tộc. Nơi đây, mãi là nơi lắng đọng những lớp phù sa văn hoá để làm nên những thang bậc giá trị tinh thần của mỗi thế hệ người Việt.

BẢO NGỌC

Related articles
Nguyễn Quốc Nguyện vô địch giải Billiard Carom 3 băng Bình Thuận mở rộng
Sau 6 ngày tranh tài sôi nổi, chiều 20/4, tại CLB Billiard 86 Luxury (39 Lê Duẩn, Tp. Phan Thiết) đã diễn ra trận chung kết giải Billiard Carom 3 băng Bình Thuận mở rộng năm 2022 tranh Cup 86 Luxury.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu về thăm Đất Tổ