Kiên trì thực hiện mục tiêu 3 trụ cột kinh tế

26/09/2023, 05:24

Kinh tế Bình Thuận đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn một số tỉnh khác, đó là nhờ thực hiện tốt mục tiêu phát triển 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp - du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới Bình Thuận phải kiên trì, tiếp tục thực hiện mục tiêu này để tiến tới vào năm 2025 sẽ tự chủ “thu - chi” ngân sách…

Đó là nhận xét tổng quan của Đoàn Ủy ban kinh tế Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bình Thuận 2020 – 2025 và các Nghị quyết của Quốc hội trong chuyến kiểm tra, giám sát ở Bình Thuận vào ngày 7/9 vừa qua.

tl-2-.jpg.jpg

Theo UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 54 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2296 về triển khai cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh. Bám sát quan điểm Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch sang giảm dần tỉ trọng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Tăng cường đầu tư, xuất khẩu và chú trọng thị trường trong nước. Do đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh từng bước đi vào thực chất, chuyển dịch đúng hướng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng trưởng ổn định, năm 2021 đạt 2,6%, năm 2022 đạt 7,56%, năm 2023 ước đạt 7,2% (chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,0 - 7,5%). Tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước so với GRDP năm 2021 đạt 13,41%, năm 2022 đạt 11,41%, năm 2023 ước đạt 8,04% (chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5 - 8,0%). Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP năm 2021 đạt 39,93%, năm 2022 đạt 42,86%, năm 2023 ước đạt 42,58%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân năm 2021 đạt 5,46%, năm 2022 đạt 6,93%, năm 2023 ước đạt 6,66%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 54,5 triệu đồng, bằng 1,15 lần thu nhập năm 2020. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 ước đạt 0,52%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 41.377 tỷ đồng, tăng 15,47% so với năm 2021. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Năm 2023, lượng khách đến tỉnh ước đạt 6,72 triệu lượt khách (bằng 378,71% so với năm 2021), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 16.500 tỷ đồng, bằng 396,8% so với năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực. Hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ được quan tâm, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 85.400 tỷ đồng, tăng 43,6% so với năm 2021. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, kim ngạch xuất khẩu ước năm 2023 đạt 974 triệu USD, tăng 51,34% so với năm 2021, sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của tỉnh hiện đã xuất khẩu trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Từ năm 2021 đến nay, Bình Thuận đã cấp phép đầu tư cho 71 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 95.944 tỷ đồng. Thu hồi 30 dự án theo quy định, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.014 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký mới là 24.730,6 tỷ đồng. Tỉnh thường xuyên rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Song song với các chương trình phát triển kinh tế Bình Thuận luôn quan tâm chỉ đạo đến công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tăng cường. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công dân xử lý kịp thời, chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường; giao quân đảm bảo chất lượng và đạt chỉ tiêu đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo đánh giá của Đoàn Ủy ban kinh tế Quốc hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Bình Thuận từng bước đi vào thực chất, chuyển dịch đúng hướng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới Bình Thuận cần tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp – du lịch và nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao đời sống cho người dân và phát triển nền kinh tế - xã hội toàn diện hơn…

PHÚC THẮNG

Related articles
Nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng với việc chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục - thể thao, để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên trì thực hiện mục tiêu 3 trụ cột kinh tế