Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho 80 ha thanh long/3 mô hình, trong đó có 2 trang trại và 1 hợp tác xã. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết thanh long quy mô 20 ha tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam và thực hiện cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ vào chế biến thanh long; tổ chức triển khai các giải pháp ổn định sản xuất theo hướng liên kết bền vững giữa các đối tượng tham gia chuỗi, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từng bước hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, triển khai lập danh sách các hợp tác xã, chủ thể OCOP ở các địa phương tham dự tập huấn sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất và phần mềm Kế toán Hợp tác xã do Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức, nhằm thực hành và ứng dụng hiệu quả phần mềm này trong quản lý sản xuất kinh doanh.