Phát biểu khai mạc, bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh, Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất cả nước khoảng 30.000 ha; trong đó trên 9.000 ha thanh long tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Trước đó, thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) từ năm 2006. Bởi vậy các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long cần tạo dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ CDĐL.
Việc xây dựng, phát triển CDĐL trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tại hội nghị, đại diện các Sở Nông nghiệp & PTNT, Công thương đã trình bày các tham luận về: kiểm soát quản lý và sử dụng CDĐL thanh long Bình Thuận; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long trong, ngoài nước.
Lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ hướng dẫn phổ biến các quy định, quy chế quản lý, sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long; giải pháp phát triển CDĐL thanh long Bình Thuận… Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cùng trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng hoạt động phát triển thanh long Bình Thuận đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế