Khi đất nông nghiệp có giá trị khác

02/12/2016, 09:53

BT- Giá đất nông nghiệp ảo như vậy sẽ khiến việc tích tụ đất đai đạt diện tích cần thiết cho sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong điều kiện mới rất khó khăn.

                
Một góc đất nông nghiệp vùng Hòa Thắng -    Bắc Bình.

Đất nông nghiệp đắt đỏ

Mấy tháng qua, ông Nguyễn Văn Nam ở Phú Thủy - TP. Phan Thiết đi lùng mua đất nông nghiệp ở các huyện trong tỉnh để sản xuất nông nghiệp sạch, trước mắt là trồng rau sạch. Thế nhưng, tìm kiếm mãi mà ước muốn mua được 2,1 mẫu đất để đạt chuẩn quy mô trang trại trồng trọt của ông quá khó khăn. Cái chính vì giá đất quá cao, cộng thêm hàng loạt các chi phí khác, chắc chắn sẽ đẩy giá thành rau sạch lên cao... Điều này nằm ngoài dự đoán thông thường lâu nay là giá đất cao hay thấp là tùy vào giá thanh long.

Thời gian qua, giá thanh long không hấp dẫn như những năm trước nhưng giá đất ở các vùng nông thôn trong tỉnh vẫn đang đứng ở mức cao. Không nói đến giá đất ở La Gi, đất thị xã nên 1 ha đất trồng màu lên đến 700 - 800 triệu đồng, tại các vùng có tiếng là khô hạn, đất ít màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt như Bắc Bình, Tuy Phong, giá 1 ha đất nông nghiệp đang nằm khoảng 300 – 600 triệu đồng, tùy vị trí dựa vào các tiêu chuẩn có gần đường đi, gần đường điện, khoan có nước hay không. Ngay cả những vùng không có nước, nghi ngờ phải khoan sâu 70 -80 m mới có như ở Lương Sơn –Bắc Bình thì giá cũng ở khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, thậm chí là 400 - 450 triệu đồng/ha. Còn ở vùng Hòa Thắng – Bắc Bình, đất nông nghiệp ven đường lớn, có nước, điện, giá đang ở 600 - 800 triệu đồng, đất ở trong sâu cũng đang dừng ở 200 - 400 triệu đồng, tùy vị trí. Điều đáng nói, người bán hét giá trên với thái độ bất cần, cứ như người mua đang rất nhiều. Mà thật, theo các hộ dân, có một số công ty đang tìm mua đất nông nghiệp.

 Gây khó của nông nghiệp quy mô lớn

 Qua tìm hiểu, biết được lý do đẩy giá đất nông nghiệp ở các vùng này lên cao. Cụ thể, tại Lương Sơn – Bắc Bình, gần đây có một công ty chịu mua 1 mẫu đất trồng cây lâu năm, không có nước với giá 400 triệu đồng, cái giá gấp nhiều lần so với giá trị thực của sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giá đất ở Lương Sơn cứ đứng ở mức cao mãi, vì những hộ có đất nhìn ngó nhau so sánh và chờ đợi được bán giá cao như thế hoặc hơn thế. Trong khi đất ở đây cũng không còn nhiều, do có nhiều người ở TP. HCM ra gom đất từ mấy năm trước. Còn tại Hòa Thắng, du lịch đến lúc nào phát triển thì không ai biết được nhưng cái bóng của nó đang phủ lên giá đất ở đây. Thêm nữa, hiện tại đã có một công ty khai thác, chế biến titan xây trụ sở tại xã đang gom mua những mảnh đất có chứa nhiều titan để khai thác, mà vùng Hòa Thắng và các vùng phụ cận, đất nào chẳng đầy titan. Vì vậy, người dân cứ chờ đợi giá đất sẽ lên cao.

Điều đáng ngại, cuộc co kéo của các bên đã khiến đất bỏ trống cả vùng rộng lớn hết năm này qua năm khác, gây lãng phí tài nguyên. Đã vậy, tình trạng quản lý tài nguyên không chặt, một số công ty đã mua đất nông nghiệp với giá hấp dẫn để người dân chịu bán đất và khi đã thuộc sở hữu, các đơn vị lén lút khai thác cát…phục vụ cho hoạt động phi nông nghiệp. Nếu khai thác đất nông nghiệp ở giá trị công nghiệp thì  giá đất mua bán trên là bèo bọt. Có thể so sánh 400 triệu đồng mua 1 mẫu đất đang có một mỏ cát bồi nền bên dưới với giá tiền hàng tỷ đồng sẽ thấy rõ điều đó. Nhưng 400 triệu đồng/mẫu đất cho sản xuất nông nghiệp thì lại quá cao, quá đắt đỏ. Trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh làm nông nghiệp có quy mô lớn, giá đất ảo như vậy sẽ khiến việc tích tụ đất đai đạt diện tích cần thiết rất khó khăn. Và chuyện ông Nam là một bằng chứng đang bị kẹt trong cái khó của sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

 Bích Nghị


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi đất nông nghiệp có giá trị khác