Phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Né
Với lợi thế tiềm năng, đa dạng các loại hình du lịch, Sở KH & CN đã đưa ra các đề tài gợi mở: Phát triển du lịch làng chài Mũi Né, thành phố Phan Thiết theo hướng bền vững; Số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Nghiên cứu, xây dựng mô hình địa du lịch (Geotourism) khu vực Suối Tiên - Mũi Né và đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, hướng đề tài mô hình chuỗi sản phẩm du lịch làng chài Mũi Né thể hiện Bộ dữ liệu về đặc điểm dân cư, thái độ cư dân và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng chài Mũi Né theo hướng bền vững. Cùng với đó, có sự tham gia của người bản địa, thông qua tham quan thắng cảnh, trải nghiệm cuộc sống người dân, thưởng thức ẩm thực, không gian giới thiệu văn hóa địa phương. Mô hình giới thiệu ít nhất 2 tour du lịch tham quan du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né, mỗi tour 20 du khách và được các du khách đánh giá cao về sự hài lòng. Còn với quy chế quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác mô hình làng chài Mũi Né, đơn vị thực hiện ban hành khung hướng dẫn về vận hành, phối hợp, quản lý các hoạt động mô hình làng chài để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch triển khai.
Trong khi đó, đề tài Nghiên cứu, xây dựng mô hình địa du lịch (Geotourism) khu vực Suối Tiên - Mũi Né và đảo Phú Quý đòi hỏi xây dựng hai mô hình địa du lịch tại hai khu vực này, đồng thời vận hành thử nghiệm mỗi mô hình, đề xuất giải pháp phát triển địa du lịch cho mỗi khu vực. Sở KH & CN cũng định hướng sản phẩm chính đề tài cần phải đưa ra báo cáo đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận; mô hình và sản phẩm địa du lịch khu vực Suối Tiên - Mũi Né và trên đảo Phú Quý; bản đồ địa du lịch 2 khu vực này theo tỷ lệ 1/10.000; các tour địa du lịch liên quan; cẩm nang hướng dẫn, tài liệu tập huấn địa du lịch.
Với đề tài Số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần xây dựng hệ thống dữ liệu, mạng lưới website về các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất địa bàn tỉnh. Số hóa các hiện vật cổ, tiêu biểu tại các nhà trưng bày, bảo tàng văn hóa; tiến tới xây dựng không gian trưng bày, thuyết minh bằng thực thế ảo tại bảo tàng, nhà trưng bày. Mô hình không gian và hệ thống dữ liệu 3D các hiện vật, di sản văn hóa cũng là điểm nhấn đề tài thể hiện.
Tạo sản phẩm du lịch phù hợp
“Thông qua đặt hàng đề tài khoa học công nghệ, bàn giao Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Cụ thể, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch. Lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch; đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng để du lịch của tỉnh thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn. Đồng thời, trong khai thác du lịch, các cơ quan quản lý gắn với bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch”, ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho hay.
Các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia tuyển chọn các đề tài du lịch trên gửi bộ hồ sơ về Sở Khoa học & Công nghệ Bình Thuận, số 8, Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp), thời gian nhận hồ sơ đến 17 giờ ngày 30/12/2024.