Kìm kẹp không để dân tiếp xúc với cách mạng
Hoài Đức là 1 trong 3 quận (Tánh Linh, Hoài Đức và Hàm Tân) của tỉnh Bình Tuy được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập vào đầu năm 1957. Quận Hoài Đức nói riêng và Bình Tuy nói chung trở thành địa bàn di dân, lập các khu dinh điền phục vụ cho mục đích khai thác kinh tế và cách ly nhân dân ra khỏi phong trào cách mạng. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành quy tập, cưỡng ép cư dân từ các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đến đây lập nên một hệ thống dinh điền như: Bắc Núi, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Sùng Nhơn ở Hoài Đức và Gia An, Võ Đắt, Võ Xu, Hiếu Tín, Đồng Kho, Đồng Me, Tà Pao, Quan Hà… ở Tánh Linh.
Chi khu quận lỵ Hoài Đức ban đầu đặt tại khu dinh điền Bắc Ruộng (nay là xã Bắc Ruộng - huyện Tánh Linh). Đến tháng 2/1965 quận Hoài Đức được giải phóng, địch chỉ còn kiểm soát được xã Võ Đắt, nên chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chuyển Chi khu quận lỵ Hoài Đức về xã Võ Đắt (nay thuộc địa bàn thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh). Địch xây dựng Võ Đắt thành chi khu, quận lỵ ra sức kìm kẹp quần chúng, việc đi lại làm ăn của người dân quanh vùng gặp nhiều khó khăn vì bị khống chế, kiểm soát rất chặt chẽ. Hàng ngày địch dùng 1 trung đội dân vệ để chốt giữ, kiểm tra xét hỏi quần chúng ra vào ấp làm ăn, mua bán nhằm mục đích ngăn chặn người dân tiếp tế cho cách mạng.
Đối với địch, Võ Đắt có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, được kiểm soát chặt chẽ bởi Núi Dinh ở phía Đông chi khu và đồi Bảo Đại ở phía Tây. Nhà dân bị địch dồn lại ở sát cạnh nhau và được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai để dễ bề kiểm soát. Có nhiều dãy nhà to, nhiều vườn cây bị chia cắt bởi hàng rào địch xây dựng. Nhiều công sự hình thành, nhiều tuyến phòng thủ dùng hỏa lực ngăn chặn các mũi đột kích của ta…
Chiến công vang dội
Sau 2 năm đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, tương quan lực lượng trên toàn miền Nam đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, sau khi phân tích tình hình và thời cơ chiến lược mới, Hội nghị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976.
Trong kế hoạch mùa khô năm 1974 - 1975, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu VI kết hợp với Quân khu VII tấn công giải phóng 2 huyện Hoài Đức và Tánh Linh của Bình Tuy, góp phần hoàn chỉnh Căn cứ Miền Đông Nam bộ tới đường 14 tỉnh Phước Long, nối liền với địa bàn Tây Ninh, tạo bàn đạp tiến công và uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc. Đồng thời đánh giải phóng đường 20, chia cắt Quân khu II và Quân khu III của địch, hình thành thế uy hiếp Sài Gòn từ hướng Đông Bắc, giải phóng, làm chủ phần lớn vùng nông thôn đồng bằng và miền núi của Khu VI. Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao, từ quý 4 năm 1974, Khu ủy cùng Quân khu và Bộ Tư lệnh Quân khu VI quyết định mở Chiến dịch giải phóng 2 huyện Hoài Đức, Tánh Linh.
Chiến dịch Hoài Đức - Đức Linh bắt đầu diễn ra từ đêm mùng 9, rạng ngày 10/12/1974, kéo dài đến ngày 10/1/1975 thì kết thúc đợt 1. Trong đó mục tiêu chủ yếu là giải phóng Chi khu Hoài Đức, tuy nhiên chiến dịch chưa thực hiện được trọn vẹn kế hoạch đề ra, song ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và một phần nông thôn Hoài Đức. Nhiệm vụ giải phóng Hoài Đức phải diễn ra trong đợt 2 từ ngày 16/3/1975 đến ngày 23/3/1975, mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt Chi khu Hoài Đức, giải phóng quận Hoài Đức, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.
Đúng 23 giờ đêm 16/3/1975, các đơn vị đặc công và bộ binh Trung đoàn 812 và các lực lượng địa phương nổ súng đồng loạt tấn công Chi khu Hoài Đức. Sau 3 ngày chiến đấu liên tục, ta chiếm được một số mục tiêu ở ngoại vi, đẩy lùi được các đợt phản kích của địch từ các nơi kéo về. Chi khu Hoài Đức rơi vào tình thế bị cô lập. Chớp thời cơ, đêm 19/3/1975, Chỉ huy trưởng Chiến dịch đã hạ lệnh tiến công dứt điểm Chi khu. 2 giờ sáng ngày 20/3/1975, pháo của ta bắt đầu trút đạn dồn dập vào Chi khu và các đơn vị công binh cũng đồng thời mở cửa đột phá, mở đường cho các lực lượng khác đánh chiếm những mục tiêu đã định trong Chi khu. Đến 6 giờ 40 phút ngày 20/3/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay ở nóc nhà thông tin của Chi khu Hoài Đức. Những ngày sau đó, ta tiếp tục truy kích tiêu diệt địch còn lại ở đồi Su, Tư Tề, Trà Tân, Sùng Nhơn, Nghị Đức, Chính Đức và Võ Xu. Ngày 23/3/1975, Hoài Đức hoàn toàn giải phóng.
Sau 7 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, ta đã diệt, bắt, làm tan rã hơn 2.500 tên địch, thu trên 1.000 súng các loại cùng toàn bộ quân trang, quân dụng và phương tiện chiến tranh của địch, tạo bàn đạp quan trọng để quân ta thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Uống nước nhớ nguồn
Chiến thắng Hoài Đức diễn ra cách đây 49 năm là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ và là niềm tự hào của Quân khu VI, quân và dân huyện Đức Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” ngày 8/7/2013 UBND huyện Đức Linh có quyết định đầu tư xây dựng Đài chiến thắng Hoài Đức - Đức Linh. Công trình được đầu tư xây dựng ngay tại vị trí Chi khu quận lỵ Hoài Đức - nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch trước đây (nay nằm trên đường Trần Hưng đạo, thị trấn Đức Tài). Các hạng mục công trình gồm có: Đài chiến thắng, sân vườn, hệ thống điện, nước… khá trang nghiêm. Đây là nơi thể hiện tình cảm, tấm lòng và sự biết ơn, trân trọng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Linh đối với sự hy sinh của các thế hệ ông cha đi trước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ khi khánh thành, Đài chiến thắng Hoài Đức - Đức Linh đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, hàng năm, vào các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước đây là nơi về nguồn của đoàn viên thanh niên, học sinh và mọi tầng lớp Nhân dân địa phương, dâng nén hương tưởng nhớ, thể hiện lòng tri ân và biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngày 1/7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã ký quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử - cách mạng đài chiến thắng Hoài Đức - Đức Linh, tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh. Theo quyết định, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đức Linh thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với “Di tích lịch sử - cách mạng Đài Chiến thắng Hoài Đức - Đức Linh” theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, UBND huyện Đức Linh quyết định thành lập Ban Quản lý và xây dựng, phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý với “Di tích lịch sử - cách mạng Đài chiến thắng Hoài Đức - Đức Linh”.