Hệ thống điện công nghiệp, điện chiếu sáng chưa có. Cơ sở trường lớp là trường gỗ lá, kể cả vách tre nứa, mái tranh; học sinh bỏ học nhiều, trình độ dân trí thấp. Hệ thống y tế, trạm y tế xã còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh sốt rét nhiều. Các cơ sở hạ tầng và thể chế thiết yếu khác còn nhiều thiếu thốn, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn…
Vượt lên những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trong toàn huyện đã chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, tiếp tục đổi mới, nỗ lực tạo nên sức bật mạnh mẽ. Điểm sáng trong hành trình 30 năm qua (1992-2022): Tánh Linh đã thực hiện đầu tư bê tông nhựa 22 km, đường bê tông xi măng 189 km, đường đá nhựa 61 km, đường cấp phối 95 km, đường đất, đường mòn 115 km trên tổng số 661 tuyến đường huyện, đường xã quản lý với tổng chiều dài 482 km. Kênh mương nội đồng đầu tư xây dựng được 23 km. Đường giao thông nội đồng được cứng hóa 101 km. Trước năm 2000, tỷ lệ gia đình có điện thoại cố định chiếm rất thấp. Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng thuận lợi cho giao thương, sản xuất. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hầu hết người trưởng thành trên địa bàn huyện đều có điện thoại di động, trong đó phần lớn là điện thoại di động thông minh có kết nối Internet. Từ những năm đầu tái lập tỉnh, là một huyện thuần nông có tập quán sản xuất mang tính truyền thống lâu đời. Nếu như năm 1992 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm chỉ đạt từ 11.000 - 12.000 ha, trong đó cây lúa, gieo trồng khoảng 8.000 ha/năm, năng suất đạt 32 tạ/ha, chủ yếu là sản xuất vụ hè thu và vụ mùa phụ thuộc vào nguồn nước trời, vụ Đông Xuân chỉ đạt khoảng từ 400 - 500 ha, chủ yếu bơm tưới bằng máy diezen ở những diện tích gần sông suối… Thì nay Tánh Linh là huyện trọng điểm lương thực của tỉnh Bình Thuận với các loại cây trồng chủ lực: lúa gạo, điều, cao su và các loại cây trồng cạn chuyển đổi trên đất lúa; diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm trên 33.000 ha, trong đó diện tích cây lương thực (lúa, bắp lai) 29.000 ha, tăng gấp 3 lần sau 30 năm. Đối với cây lúa, đã dần chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, hữu cơ, VietGAP đóng bao bì nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tánh Linh” để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha, tăng gấp 2 lần so với những năm đầu tái lập tỉnh, các giống lúa sử dụng chủ yếu chất lượng cao. Cây cao su với diện tích gần 22.000 ha, sản lượng mủ đáp ứng được nhu cầu công nghiệp sơ chế tại chỗ; cây điều, diện tích 4.500 ha, chủ yếu là diện tích sử dụng các giống điều ghép cho năng suất cao. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã có những khởi sắc, khang trang, chuyển biến tích cực, nhiều khu dân cư được định hình theo hướng đô thị, kết cấu hạ tầng được nâng cấp. Đến cuối năm 2021, huyện Tánh Linh đạt 203 tiêu chí, bình quân 16,92 tiêu chí/xã, có 8/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 66,67%. Đối với Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới đạt 5/9 tiêu chí.
Từ một huyện nghèo, sau 30 năm, Tánh linh đã trải qua một hành trình không ít gian khó, từng bước khẳng định vị thế của mình. Để có những trái ngọt hôm nay, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo cùng hướng tới Tánh Linh vững mạnh.
Tại Đại hội Đảng bộ Tánh Linh lần thứ IX đã xác định mục tiêu, quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm: có 100% tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ; phát triển đảng viên mới đạt chỉ tiêu được giao. Hàng năm có trên 80% tổ chức Mặt trận, đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ (và tương đương) trở lên.
Sau 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh, huyện Tánh Linh đã để lại những mốc son đáng nhớ trong suốt hành trình xây dựng và phát triển. Đây là nền tảng, là niềm tin vững chắc để Tánh Linh tiếp tục tạo dựng những dấu ấn mới trong quá trình phát triển vùng quê Tánh Linh Anh hùng.