“Hậu phương” vững chắc cho tuyến đầu chống dịch

03/03/2022, 15:09

Đã có một khoảng thời gian đầy khó khăn, khi t La Gi là điểm nóng Covid-19 .Khi ấy, ta thấy hình ảnh của biết bao lực lượng tuyến đầu chẳng quản ngại ngày đêm, cống hiến sức mình để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Và lặng thầm bên cạnh đó, những chị em phụ nữ đã trở thành "hậu phương" vững chắc tiếp sức, chi viện cho "tiền tuyến" để góp phần trong cuộc chiến chống đại dịch này.

1-2-.jpg

Có thể kể đến là 4 bếp ăn thiện nguyện được tổ chức trên địa bàn thị xã, với tổng cộng hơn 20 chị em tham gia, các bếp chia nhau cung cấp 3 bữa ăn/ngày cho đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn và bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Với hơn 400 suất ăn mỗi ngày, có bếp từ 4 giờ sáng đã bắt đầu đỏ lửa, có bếp đến tận 6 giờ chiều mới hoàn thành việc giao cơm. Công việc tất bật với nhiều khâu và quần quật suốt cả một ngày, thế nhưng cứ nghĩ đến những khó khăn của lực lượng tuyến đầu, làm sao để cùng thị xã vượt qua giai đoạn khó khăn là cảm thấy vui. Các chị lại cùng nhau cố gắng để thay đổi thực đơn, chăm chút cho mỗi món ăn, gởi gắm cả tình cảm vào từng phần cơm cốt chỉ để có thể tạo chút ấm áp của một bữa cơm nhà.

Hay như chị em trong các tổ đi chợ giúp dân tại các xã - phường được thành lập trong thời gian La Gi thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Biết bao ngày với những bữa cơm vội, mặc cho thời tiết nắng mưa thất thường, các chị vẫn đôi tay tất bật chọn lựa, phân loại theo nhu cầu của từng hộ gia đình.

Từng chiếc xe máy chở nặng hàng hóa vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường thị xã. Từng gương mặt phờ phạc chạy đua cùng thời gian để kịp thời cung ứng nguyên vật liệu cho người dân có được bữa cơm đủ đầy trong mùa dịch. Họ đã cộng đồng trách nhiệm để người dân yên tâm "ở nhà" chung tay cùng chính quyền phòng dịch.

Rồi trước những khó khăn của nông dân khi tìm đầu ra cho nông phẩm, mùa dịch, chị em phụ nữ nhiều xã, phường đã vận động, kết nối các mạnh thường quân đóng góp tiền để thu mua. Vừa có thể giúp tiêu thụ kịp thời vụ, giải quyết phần nào khó khăn cho nông dân địa phương.

2.jpg

Gói bánh tét hỗ trợ người dân vùng dịch

Bên cạnh đó không thể không kể đến vô số những phần quà, đã được chị em từ khắp các xã - phường chung lòng kết nối, gói trọn cả yêu thương dành tặng những gia đình khó khăn trong mùa dịch. Cứ luôn dõi theo, sát sao đối với từng gia cảnh nghèo quanh mình. Các chị giúp đỡ được người khác, cũng coi đó là niềm hạnh phúc của chính mình. Nghĩ như thế và thật sự cảm nhận được như vậy, nên cứ lặng lẽ "cho đi". Bất chấp cả rủi ro, lao vào vùng tâm dịch, cố gắng hết sức, làm tất cả những việc có thể để chung sức, đồng lòng cùng địa phương chống dịch.

5.jpg

Đã trải qua khoảng thời gian khó khăn là thế. Và càng trong hoạn nạn, trong gian khó, thì người và người đã hướng về nhau, dành cho nhau những tình cảm yêu thương chân thành nhất. Ở cái thời điểm "chống dịch như chống giặc" và khi "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" thì chị em phụ nữ thị xã La Gi đã phát huy vai trò chống giặc của mình. Dẫu không trực tiếp xông pha, nhưng vẫn lặng thầm góp sức. Thường được gọi là phái đẹp, phái yếu, nhưng phát huy truyền thống vốn có, chị em phụ nữ La Gi đã thể hiện sự mạnh mẽ của mình bằng tinh thần đoàn kết để tạo nên một sức mạnh bền bỉ. Các chị thật sự là những bông hoa lan tỏa hương sắc bằng lòng nhân ái.

TRÚC MY

Related articles
Trao nhà tình thương cho hộ nghèo
Mới đây, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Thuận phối hợp Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi, UBND thị trấn Thuận Nam tổ chức lễ bàn giao nhà tình thương cho hộ bà Trương Thúy Mai, khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hậu phương” vững chắc cho tuyến đầu chống dịch