Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án đầu tư chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ được quy định. Trong đó, nguyên nhân chính là vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai nên các nhà đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận đền bù với các hộ dân. Một số hộ gia đình, cá nhân nhiều năm khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm; chính sách giá đền bù thay đổi, nhà đầu tư và người dân không thỏa thuận được giá đền bù.
![nhieu-resort-doc-bien-ham-thuan-nam-bo-hoang-anh-n.-lan-3-.jpg](https://bbt.1cdn.vn/2024/07/12/nhieu-resort-doc-bien-ham-thuan-nam-bo-hoang-anh-n.-lan-3-.jpg)
Ngoài ra, còn gặp các vướng mắc về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; về công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng trên thực tế không đáp ứng được yêu cầu về thời gian hoàn thành đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư tại khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trước đây theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch, dự án có quy mô diện tích sử dụng đất dưới 5 ha không cần phải thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2023), các dự án có quy mô diện tích sử dụng đất dưới 5 ha phải lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn. Do vậy, nhiều dự án có quy mô diện tích sử dụng đất dưới 5 ha sau khi được gia hạn tiến độ sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án phải tiếp tục thực hiện thêm thủ tục hành chính về lập quy hoạch mới phát sinh.
Bên cạnh đó, các dự án còn gặp vướng mắc về quy hoạch khai thác và dự trữ khoáng sản (titan) quốc gia. Nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư trước nhưng lại nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan hoặc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không chỉ vậy, pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhà ở có sự thay đổi. Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại đã được quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 không thông qua hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nay, Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, do đó cần phải rà soát để thực hiện phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, công tác xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, giao đất cho các dự án còn rất chậm, chưa kịp thời. Một số nhà đầu tư chưa tích cực triển khai dự án, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính không đảm bảo, một số dự án triển khai xây dựng cầm chừng, có hiện tượng trông chờ các dự án xung quanh triển khai xây dựng hoặc có trường hợp cố tình kéo dài thời gian thực hiện để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.
Trong năm 2024, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành giám sát đầu tư đối với 71 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 33 dự án đầu tư với tổng số tiền xử phạt hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, có 24 dự án đầu tư bị ban hành thông báo, quyết định chấm dứt hoạt động; 6 dự án bị ban hành quyết định ngừng hoạt động do nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm tiến độ đầu tư.