Hàm Thuận Nam: Kiểm tra, lập chốt tại khu vực thường xảy ra phá rừng

28/02/2023, 05:35

Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, nên công tác phòng chống phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm của lực lượng chức năng, địa phương và tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao của nhân dân, công tác bảo vệ rừng nơi đây tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực…

Hàm Thuận Nam có tổng diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng hơn 50.400 ha, chiếm 47,64% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 17.800 ha, rừng phòng hộ 10.100 ha và rừng sản xuất 22.400 ha. Rừng và đất lâm nghiệp ở Hàm Thuận Nam trải dài, có địa hình đồi núi phức tạp, giáp ranh với 3 huyện: Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc. Phần lớn, rừng tiếp giáp với rẫy, khu dân cư, đặc biệt là lâm phần do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, nên để làm tốt công tác bảo vệ rừng là thách thức không nhỏ.

z4139952996832_ddcd8f6ea2dd60accbd8097d5c232ef7.jpg
Lực lượng chức năng huyện Hàm Thuận Nam tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. 

Thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, các cấp, các ngành của huyện Hàm Thuận Nam và các đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, trọng tâm là tăng cường truy quét bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp. Nhờ vậy, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua     ở Hàm Thuận Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm dần các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Thống kê cho thấy, năm 2022, Hàm Thuận Nam xảy ra 35 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, hành vi khai thác rừng trái phép chiếm nhiều nhất (17 vụ, giảm 8 vụ so cùng kỳ); vận chuyển lâm sản trái phép 8 vụ (giảm 9 vụ); tàng trữ lâm sản trái phép 3 vụ (giảm 5 vụ); phá rừng trái phép 3 vụ (không tăng, không giảm) và một số vụ vi phạm khác. Ngoài ra, trong năm 2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra 32 vụ lấn, chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 518.500 m2; riêng địa bàn xã Tân Thành xảy ra nhiều nhất với 17 vụ, diện tích 167.600 m2. Mùa khô năm trước, toàn huyện cũng xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích 4,6 ha; chủ yếu là cháy thực bì, cỏ khô; giảm 70% so cùng kỳ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng được các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng và từng xã, thị trấn thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm, không để xảy ra điểm nóng, không để thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Hàm Minh, Tân Thành, Tân Thuận vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm của một số chủ rừng trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp có nơi còn chủ quan, buông lỏng quản lý. Trong khi đó, hiện nay đang là cao điểm mùa khô, do đó nhiệm vụ bảo vệ rừng càng khó khăn hơn bởi bên cạnh tình trạng khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép thì rừng ở Hàm Thuận Nam cũng đang đối diện với nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Vì vậy, bên cạnh chỉ đạo tập trung khắc phục hạn chế đã chỉ ra, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, chống phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của huyện cơ quan, đơn vị và ngành chức năng liên quan thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, truy quét và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trước mắt, phải thực hiện tốt theo phương án, kế hoạch về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức quản lý nghiêm ngặt người ra vào rừng, bố trí các điểm chốt để kiểm tra; kiên quyết ngăn chặn không cho người và phương tiện không có phận sự vào các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Các đơn vị chủ rừng cần mua sắm bổ sung, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động hiệu quả khi tham gia chữa cháy; tiến hành phát dọn, làm đường băng cản lửa, đốt chần theo kế hoạch phê duyệt. Mặt khác, tập trung lực lượng đủ mạnh truy quét, lập chốt bảo vệ rừng tại các khu vực thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản và lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Chủ động tổ chức điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai. Tăng cường đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, cán bộ, công chức tiếp tay, bao che; các băng nhóm tội phạm liên quan đến phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật...

LÊ PHÚC

Related articles
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô
Hiện nay đang là thời điểm mùa khô, nên việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh. Riêng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lê Hồng Phong thuộc huyện Bắc Bình, có diện tích rừng tiếp giáp với nương rẫy của người dân với trên 10.000 ha, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Kiểm tra, lập chốt tại khu vực thường xảy ra phá rừng