Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

06/02/2023, 05:59

Hiện nay đang là thời điểm mùa khô, nên việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh. Riêng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lê Hồng Phong thuộc huyện Bắc Bình, có diện tích rừng tiếp giáp với nương rẫy của người dân với trên 10.000 ha, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu.

Nguy cơ cháy rừng cao

BQL RPH Lê Hồng Phong hiện đang quản lý và sử dụng trên 15.300 ha rừng, gồm 23 tiểu khu. Trong đó rừng sản xuất trên 7.000 ha, rừng phòng hộ gần 8.250 ha. Diện tích đất lâm nghiệp BQL chủ yếu là đất đã có rừng chiếm 89,5% (rừng trồng 27,7%, rừng tự nhiên 61,8%), đất trống chiếm 10,5%. Vùng quản lý hầu hết là rừng phòng hộ, địa hình đi lại khó khăn.

z4083566167934_526adf12f0a2921da1c6426b56caebfe.jpg
Tuần tra rừng tại BQL RPH Lê Hồng Phong.

Đây là những nơi giáp ranh có nhiều đặc điểm phức tạp, bao gồm các địa phương giáp khu dân cư, rẫy của dân, giáp biển. Vành đai rừng của đơn vị tiếp giáp với các xã, thị trấn gồm Hòa Thắng, Hồng Phong, Lương Sơn, Hồng Thái, Chợ Lầu, Bình Tân. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy, một số khác làm thuê chuyên nghiệp hoặc theo mùa vụ, thời tiết trong vùng khắc nghiệt. Đáng lưu ý, thảm thực bì chủ yếu là lá khô, cành nhánh rơi rụng và các loại cỏ. Do đó rất dễ bắt lửa gây cháy rừng trong bất kỳ địa điểm nào, nhất là các khu vực được dự báo cấp III – cấp độ nguy hiểm.

z4083619556733_e976c2b6a923acd24af4c1f922b9cce6-1-.jpg
Phòng chống cháy rừng mùa khô tại BQL RPH Lê Hồng Phong.

Đối với người dân, sống làm rẫy quanh khu vực giáp ranh với rừng do một số người thiếu ý thức nên đã canh tác, dọn đốt rẫy bất cẩn không canh chừng lửa gây cháy lây lan. Một nguyên nhân nữa dễ xảy ra cháy, đó là rừng nơi đây chủ yếu là cóc, sò đo, nhãn, tam lang và rừng trồng. Mùa khô rụng lá nhiều tạo thành một lớp thảm thực bì trên bề mặt đất…

Ông Lê Châu Thành - Trưởng BQL RPH Lê Hồng Phong cho biết, hàng năm đơn vị đều thực hiện tốt công tác cày băng trắng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm tra, tại các điểm dễ xảy ra cháy rừng. Nhất là thời điểm đầu mùa khô, đơn vị sửa chữa bảng tuyên truyền, biển báo cấm lửa, cấp cháy. Mặt khác, tổ chức cho các trạm bảo vệ rừng (BVR) ký cam kết BVR-PCCCR với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và những hộ sống gần và ven rừng lâm phần quản lý của đơn vị. Cùng với đó, tiến hành giám sát, kiểm tra chặt chẽ người ra vào rừng để phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng khi vừa phát sinh.

z4084409073957_ef3e87e9a740549aaf8ade394d0378e8.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm, làm việc tại BQL RPH Lê Hồng Phong những ngày đầu năm Quý Mão 2023.

Chung tay bảo vệ rừng

Cũng theo ông Thành, để nâng cao hiệu quả PCCCR, đơn vị phân công, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, gác trực vào mùa cao điểm, nắng nóng, hanh khô. Song song, thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp bảo vệ và PCCCR, đảm bảo lực lượng, trang thiết bị, hậu cần, ứng phó kịp thời trong các tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng. Cùng với đó, duy trì chế độ thường trực 24/24 trong mùa khô nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện địa điểm cháy kịp thời.

Đặc biệt, trong ngày đầu tháng 2/2023, BQL RPH Lê Hồng Phong đã tiến hành diễn tập PCCCR. Tuyên truyền phổ biến về công tác BVR và PCCCR trên loa phát thanh của các địa phương giáp ranh. Khi có cháy xảy ra, các tổ trạm được bố trí sẵn sàng, khi nhóm tuần tra phát hiện đám cháy thì báo cho tổ trưởng phụ trách khu vực và báo về ban chỉ huy. Nếu mức độ cháy nguy hiểm, phải điều động thêm lực lượng bên ngoài, gồm các hộ nhận khoán làm rẫy ven rừng, lực lượng 2 xã Hòa Thắng, Hồng Phong và Đồn Biên phòng Hòa Thắng...

Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng trên toàn lâm phận, đơn vị đã xây dựng bản đồ dự báo cấp cháy rừng. Mặt khác, sửa chữa các chòi canh lửa dã chiến, lắp đặt biển báo, pano cấm vào rừng ở những khu vực trọng điểm giáp ranh khu dân cư và các trục đường nông thôn.

Mới đây, trong dịp đến thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên BQL RPH Lê Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh, Bình Thuận là vùng khô hạn nên tỉnh xác định cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cần có môi trường xanh, hệ sinh thái bền vững. Vì vậy, việc giữ rừng, nhất là rừng tại đồi cát ven biển rất quan trọng, nhằm bảo vệ, phát triển rừng, khắc phục khó khăn do điều kiện tự nhiên mang đến. Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao BQL RPH Lê Hồng Phong trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời đề nghị đơn vị cần thường xuyên nhắc nhở nhân dân có ý thức chung tay bảo vệ rừng, không chặt phá và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô.

KIỀU HẰNG

Related articles
Phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa
Rừng thứ sinh nghèo ở Bình Thuận là kết quả của quá trình khai thác cạn kiệt sau một thời gian dài nhưng chưa có các biện pháp tích cực đẩy nhanh tốc độ phục hồi rừng. Do đó, việc thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị tại huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Nam” đã góp phần trong tiến trình phục hồi và phát triển rừng của tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô