Trao “cần câu”
10 triệu đồng/hộ là khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề cho mỗi hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Nó được ví như cần câu, bởi khoản tiền này Nhà nước hỗ trợ để người dân mua những thứ mang lại sinh lợi như trâu, bò, dê, heo, gà hoặc nông cụ… có sự giám sát của ngành chức năng, chứ không phải người dân muốn mua gì thì mua. Chính vì vậy, khi trao khoản hỗ trợ này đến tay người dân, các địa phương đã làm công tác truyền thông và yêu cầu người dân đăng ký vật mua theo nhu cầu.
Hàm Thuận Bắc nói riêng, có nhiều người được thụ hưởng khoản chuyển đổi nghề này. Trong đó, La Dạ là một trong những xã vùng cao của huyện có nhiều người được thụ hưởng nhất với hơn 60 hộ nghèo chỉ trong năm 2022 và 2023. Mới đây khi trao khoản hỗ trợ này, lãnh đạo, cán bộ xã luôn nhắc nhở người dân khi nhận khoản hỗ trợ về phải mua những gì mình đã đăng ký. “Người dân lưu ý, khoản tiền này là Nhà nước quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình nên phải sử dụng đúng mục đích. Khi chúng tôi đi kiểm tra phải chứng minh được vật nuôi hay vật dụng mình đăng ký…”, ông Bờ Rông Đảm – Phó Chủ tịch HĐND xã nhắc nhở người dân trước buổi trao tiền hỗ trợ cho người dân.
Theo danh sách hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề của xã, phần lớn các hộ đăng ký mua bò, nông cụ, cây trồng như điều, keo lá tràm... Đây là những cây, con vật nuôi mang lại cuộc sống lâu dài cho người dân. Nếu khoản hỗ trợ không đủ để đầu tư, người dân có thể vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. “Tôi thấy nhiều gia đình trẻ, có sức khỏe nên mạnh dạn vay thêm để phát triển kinh tế gia đình”, ông Đảm nói thêm.
Tạo động lực
Nhận thức rõ khoản hỗ trợ, người dân La Dạ đã đi mua những thứ đã đăng ký. Điển hình, vợ chồng K' Văn Biệng và Lê Thị Hánh ở xóm 1, thôn 3, xã La Dạ mua keo lá tràm về trồng hết diện tích đất nhà mình đang bỏ trống. Bà Hánh nói: “Nhà mình có 5 sào đất, trước đó trồng điều, nhưng cây điều hiện nay cho năng suất thấp vì đã già cỗi nên chuyển sang trồng keo, mình mua keo về trồng vào những chỗ đất còn trống”. Còn chị Lê Thị Hạnh, cũng ở thôn 3 chia sẻ mình mua heo đen và cây điều về trồng và nuôi.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy phần lớn người dân không dám vay ngân hàng đầu tư thêm vì lo ngại không có khả năng trả nợ. Bà Hánh một trong số đó nói: Mình cũng muốn đầu tư vào trồng sầu riêng, nhưng cây trồng này phải đầu tư phân, thuốc, chăm sóc kỹ không như cây trồng khác. Trong khi hai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định, ai kêu gì làm nấy, thu nhập bấp bênh nên không dám vay thêm đầu tư.
Ngoài La Dạ, các xã khác cũng tương tự, như Đông Giang thì vừa hoàn tất việc chuyển đổi nghề năm 2022 và 2023 cho 26 hộ nghèo. Theo xã Đông Giang, năm 2024 đang tiếp tục triển khai và lần này sẽ trao tiền cho người dân tự đi mua vật nuôi mình đã đăng ký, xã sẽ trực tiếp giám sát.
Đến nay, hầu hết hộ nghèo trong diện chuyển đổi nghề của 2 năm qua theo Chương trình ở Hàm Thuận Bắc đã nhận được “cần câu”, tạo động lực phát triển kinh tế gia đình. Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, chỉ tính riêng năm 2023 có 141 hộ nghèo ở các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến, Thuận Hòa, Hàm Trí đã nhận được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Theo Thông tư 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc: Hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.