Gốm Chăm: Vinh danh để bảo tồn làng nghề

05/12/2022, 16:43

Những ngày qua, đồng bào Chăm rất vui mừng khi nghe tin Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đưa di sản "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Để có được thành quả trên thì đó là một chặng đường nghiên cứu lâu dài về gốm Chăm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh, Bộ và các trường Đại học. Nhưng quan trọng hơn chính là các nghệ nhân, dòng tộc, gia đình người Chăm vượt qua mọi khó khăn về kinh tế để duy trì giữ lửa làng nghề vốn có lịch sử hàng thế kỷ.

ganh-gom-ve-lang.jpg

Gốm trong di tích khảo cổ

Hầu như các cuộc khai quật ở địa điểm di tích khảo cổ nào cũng tìm thấy dấu tích gốm thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh ở Bình Thuận. Kỷ thuật làm gốm qua di vật tìm được của 3000 năm trước có những đặc điểm cơ bản như gốm của người Chăm ngày nay. Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ gần gũi giữa chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Chăm từ thế kỷ I trước Công nguyên.

Nếu nói về nguồn gốc gốm Chăm gần nhất và có giá trị liên hệ là qua kết quả khai quật khảo cổ di chỉ Gò Lôn ở Phú Trường, thị trấn Phú Long, H. Hàm Thuận Bắc. Đó là một khu lò gốm xưa của người Chăm với diện tích khoảng trên 500 m2 có từ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI kéo dài qua các thế kỷ sau.

Hiện vật phát hiện được gồm có những loại chính như sau: Các loại ấm, bình vôi, ống nhổ, đèn và chân đèn, cối giã… mà ngày nay, sau nhiều thế kỷ, hậu duệ của họ ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp vẫn làm ra những sản phẩm y như vậy, chỉ khác về thời gian.

Đã từng biết đến người Chăm ở Bình Thuận có một làng nghề thủ công cổ truyền. Năm 1995, đoàn chuyên gia chuyên về gốm thủ công Nhật Bản đã đến Bình Thuận phối hợp với Sở VHTT bước đầu nghiên cứu nghề làm gốm của người Chăm Bình Đức. Sau đó tại triển lãm với tiêu đề “Thế giới qua ngọn lửa hồng” được tổ chức tại Osaka Nhật Bản từ tháng 7 – 9 năm 1996. Nhóm nghệ nhân của làng gốm gồm bà Đơn Thị Hiệu, bà Đơn Thị Chí, bà Đơn Thị Bậu đã được mời đến Nhật Bản trình diễn về kỹ thuật làm gốm truyền thống của làng. Theo nhận xét của các chuyên gia Nhật Bản thì người Chăm Bình Đức còn duy trì và bảo lưu được phương pháp làm gốm hết sức độc đáo và cách làm gốm này hiện nay cả thế giới chỉ còn khoảng 10 dân tộc còn bảo lưu được, đối với những dân tộc khác thì cách làm gốm này đã thất truyền và chấm dứt cách đây từ 2500 – 3000 năm.

Nghiên cứu khoa học về gốm Chăm

Năm 2004, trong chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa Thông tin. Sở Văn hóa Thông tin đã triển khai dự án: “Nghiên cứu nghề gốm truyền thống của người Chăm Bình Đức, huyện Bắc Bình”. Quá trình nghiên cứu và ghi hình ở đây, khi bàn về kỷ thuật vì sao không dùng bàn xoay cho nhanh, khỏi chóng mặt khi mỗi ngày phải xoay mình quanh chiếc bàn cố định cả ngàn vòng. một bà trong nhóm thợ thực hành di sản nói: Cũng là xoay, nhưng thay vì bàn xoay thì nghề này xoay người, vì vậy nghề này còn kêu là “Làm bằng tay, xoay bằng chân, bằng mông”. Kết quả nghiên cứu của dự án là lần đầu tiên giới thiệu về làng nghề cổ còn sót lại một cách đầy đủ và thực trạng để Bộ VHTT và UBND tỉnh có hướng bảo tồn, duy trì sự phát triển làng nghề.

Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện dự án “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận”. Bộ VHTTDL đã công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đáng lưu ý đây là một trong 2 di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được công nhận, đó là làng Tranh dân gian Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh và nghề làm gốm của người Chăm Bình Đức tỉnh Bình Thuận.

Sau đó mấy năm, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghề gốm thủ công làng Bình Đức nhằm phục vụ du lịch và nâng cao đời sống người dân” do PGS.TS Thành Phần làm chủ nhiệm.

Để khẳng định được giá trị của một làng nghề cổ hiếm có của người Chăm làng Bình Đức - Bình Thuận và Bàu Trúc - Ninh Thuận, một cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, tổ chức ngày 8-9/12/2018 tại tỉnh Ninh Thuận với tựa đề “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”.

Tham gia hội thảo khoa học Quốc tế còn có khách mời là các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Bangladesh… Đây là bước cuối cùng của chặng đường dài nghiên cứu nhằm tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước về bảo tồn di sản văn hóa, thu thập thông tin, tài liệu để củng cố luận cứ khoa học cho việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Vinh danh để bảo tồn làng nghề

Mừng vì làng nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm được vinh danh, nhưng những người thợ gốm thu nhập hàng ngày còn rất thấp, bỏ nghề thì không được vì họ gắn với nghề hàng trăm năm nay, hơn nữa là nghề của tổ tiên trao truyền, không phải ai cũng làm được. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, nếu để bản thân làng gốm tự thân vận động như lâu nay thì e rằng khó tồn tại trước những đòi hỏi và thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường.

Trước tình hình đó, ngày 19/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang từng bước phối hợp với UBND huyện Bắc Bình và các sở, ngành liên quan xây dựng, triển khai thực hiện các chương kế hoạch, dự án… bảo tồn phương thức và kỹ thuật làm gốm truyền thống; xây dựng Nhà Trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm,
nung gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm phục vụ du
khách tham quan. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện bảo tồn và phát triển nghề gốm Chăm Bình Đức; Xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức.

Thực hiện được nội dung Quyết định trên của UBND tỉnh chính là việc thiết thực nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống phục vụ chính cuộc sống, sự tăng trưởng kinh tế tự bản thân chủ nhân làng nghề và góp phần vào sự phát triển du lịch.

NGUYỄN XUÂN LÝ

Related articles
Ngắm mây
Có ai đã từng ước được ôm mây vào lòng hay không?

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gốm Chăm: Vinh danh để bảo tồn làng nghề